Ông Nguyễn Bách Bốn, diễn viên Đoàn nghệ thuật múa Rối Ninh Bình bồi hồi nhớ lại, ông tuy không thuộc lớp những người đầu tiên sáng lập đĐàn nghệ thuật múa rối, nhưng qua tư liệu còn lưu giữ lại, Đoàn nghệ thuật múa Rối Ninh Bình được thành lập năm 1962 theo quyết định của Ủy ban kháng chiến và hành chính tỉnh Ninh Bình. Tiền thân của đoàn chỉ là một bộ phận đèn chiếu gồm 2 đến 3 người do Ty Văn hóa Ninh Bình quản lý.
Phương tiện, đạo cụ hoạt động của anh chị em chỉ là một chiếc đèn chiếu, một số bộ phim, một đèn măng sông, một đàn guita, một máy hát, vài chục đĩa và dăm ba con rối tay để hoạt động trước khi chiếu phim. Tất cả dụng cụ của Đoàn đều được xếp gọn vào hai chiếc hòm gỗ vuông, chất lên chiếc xe đạp thồ do Anh Đinh Quang Diệp và một người nữa nữa trong Đoàn gồng gánh.
Địa bàn hoạt động của Đoàn được ấn định là 5 xã miền núi huyện Nho Quan giáp giới với Hòa Bình và 5 xã miền biển huyện Kim Sơn. Mỗi chuyến công tác của Đoàn khoảng từ 1 tháng đến một tháng rưỡi tại thôn, xóm của các xã trên.
Mỗi thành viên trong Đoàn vừa chiếu phim, vừa thuyết minh, vừa biểu diễn rối tay với kịch bản đơn giản lấy chủ đề từ cuộc sống hàng ngày như: Công tác bảo đảm vệ sinh, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ hủ tục, không khí lao động sản xuất, chiến đấu...
Vào thời điểm bấy giờ, do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, hoạt động nghệ thuật của Đoàn tuy đơn giản nhưng được người dân đón nhận nồng nhiệt, tạo được hiệu quả tích cực. Từ kết quả đó nên năm 1963, theo đề nghị của Ty Văn hóa, Ủy ban tỉnh quyết định thành lập Đoàn nghệ thuật múa Rối Ninh Bình có kết hợp với hoạt động đèn chiếu phim và đồng ca ngoài màn. Biên chế ban đầu của đoàn là 15 người.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ty Văn hóa Ninh Bình, sự giúp đỡ của Đoàn nghệ thuật múa rối Trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam), đoàn đã cử một số thành viên lên Đoàn nghệ thuật múa rối Trung ương học tập. Anh chị em trở về đoàn truyền nghề cho nhau. Buổi ban đầu, Đoàn dàn dựng một số tiết mục đơn giản như: Dàn đồng ca trống cơm, Cu tí chăn trâu. Về sau, khi đã có kinh nghiệm hoạt động, đoàn dựng nhiều vở lớn như: Thạch Sanh, Phù Đổng Thiên vương, Kiều Nguyệt Nga, Tấm Cám...
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu An Viết Đàm (đã mất) ghi lại cho thấy: vào khoảng thời gian sau giải phóng, cả nước có 5 đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp là Đoàn Rối Trung ương và 4 đoàn của các tỉnh, thành: Hà Sơn Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam Ninh.
Các đoàn đều sử dụng hát mới, riêng Đoàn nghệ thuật Rối Hà Nam Ninh là Đoàn rối Chèo. Như vậy, ngay từ định hướng xây dựng từ ban đầu, Đoàn nghệ thuật Rối Ninh Bình (về sau là Đoàn nghệ thuật Rối Hà Nam Ninh) có sự độc đáo khác biệt so với các đoàn nghệ thuật múa rối khác. Chính sự độc đáo ấy khiến đoàn rối rất được ưa thích, đi tới đâu cũng được người dân háo hức chờ đón.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, cùng với việc sáp nhập tỉnh, Đoàn nghệ thuật Rối Ninh Bình thuộc quyền quản lý của Ty Văn hóa Hà Nam Ninh, tuy nhiên lực lượng diễn viên của đoàn cơ bản vẫn được giữ nguyên.
Trước nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, từ chỗ chỉ có 2 xe chiếc xe bò chở đạo cụ, trang phục đã được đầu tư thêm một xe ca và một xe tải. Lực lượng của đoàn dần được tăng lên với với tổng số gần 40 người gồm: các diễn viên, nhạc công, cơ công tạo hình, ánh sáng...Các trang thiết bị phục vụ biểu diễn cũng được đầu tư, nâng cấp.
Nếu như ban đầu địa bàn hoạt động của đoàn chỉ giới hạn phạm vi 5 xã miền núi và 5 xã miền biển thì qua thời gian hoạt động, Đoàn đã đến được hầu khắp mọi địa phương trong tỉnh và mở rộng địa bàn hoạt động ra đến các tỉnh ngoài.
Trong chiến tranh, Đoàn từng vào tuyến lửa Vĩnh Linh biểu diễn phục vụ bộ đội, dân quân chiến đấu. Ngày đất nước thống nhất, thực hiện nhiệm vụ chính trị đoàn vào tận tỉnh Minh Hải, là tỉnh kết nghĩa, phục vụ bà con vùng kinh tế mới, đồng bào Nam Bộ.
Nhiều thế hệ nghệ sỹ, diễn viên đã gắn bó với đoàn nghệ thuật Rối như: Hồng Cẩn, Hồng Bút, Thu Thảo, Quang Trung, Nguyễn Thành Chung, Thu Hiền, Minh Châu, Minh Nguyệt... đã góp phần làm nên tên tuổi của Đoàn.
Với lòng nhiệt tình, say mê với nghề, khao khát sáng tạo, cống hiến, các suất diễn của Đoàn dù ở nơi đâu cũng nhận được sự tán thưởng đặc biệt khán giả. Nhiều khán giả tỏ ra bất ngờ trước sự độc đáo tuyệt vời của loại nghệ thuật múa Rối. Mỗi đêm diễn đều đầy ắp người xem.
Với những thành tích của mình, vào năm 1981, Đoàn nghệ thuật Rối Hà Nam Ninh được Đảng và Nhà nước nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Được sự động viên, ghi nhận của Đảng và Nhà nước, các nghệ sỹ, diễn viên không ngừng cố gắng, học hỏi, sáng tạo lập thêm nhiều thành tích.
Năm 1986 vở diễn Hoàng Đế cờ lau giành Huy chương vàng tại Liên hoan múa Rối toàn quốc; Năm 1991, vở Vua Ác giành Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối toàn quốc...
Vào những năm sau đổi mới, quá trình chia tách tỉnh Hà Nam Ninh, những năm 90, nhiệm vụ chính trị thay đổi, nhu cầu thưởng nghệ thuật của người dân cũng khác xưa, Đoàn nghệ thuật Rối Hà Nam Ninh, sau một thời gian tồn tại khá dài (từ 1962) đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình và thực hiện việc sắp xếp lại theo yêu cầu của tổ chức.
Các nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn, dù tiếc nuối, đành chia tay mỗi người một nơi. Người đi tiếp con đường nghệ thuật, kẻ về quê tìm sinh kế. Còn với những người từng gắn bó những năm tháng cuộc đời mình với nghệ thuật múa Rối như diễn viên Nguyễn Bách Bốn, đó là những kỷ niệm đẹp trong đời, những năm tháng không thể nào quên !
Bài, ảnh: Mai Văn Phương