Năm 2015, ông Phạm Ngọc Giới vinh dự là một trong hai nghệ nhân loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những cống hiến của ông trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Ông Phạm Ngọc Giới cho biết: 62 tuổi, nhưng gần như 3/4 cuộc đời ông đã gắn bó với nghệ thuật dân gian. Từ nhỏ ông đã yêu thích ca hát và hoạt động văn nghệ quần chúng. Khi 17 tuổi ông tham gia vào đội văn nghệ của xã, cũng từ đây ông được cụ Cả Nghệ - người thầy đầu tiên phát hiện ông có khiếu hát chèo và đã tận tình truyền dạy nhiều làn điệu chèo cổ. Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với miền Bắc, đội văn nghệ của xã vẫn hăng say luyện tập và đi biểu diễn nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, bản thân tôi được giao đảm nhiệm những vai chính của đội văn nghệ xã thời ấy. Những năm tháng trong quân ngũ, tiếng hát chèo lại cùng ông hành quân trong lúc giải lao, những điểm dừng chân, những buổi liên hoan văn nghệ của đơn vị. Từ niềm say mê, lại có chút "năng khiếu" về văn nghệ, ông được đồng đội vinh danh là cây văn nghệ chiến trường của Đại đội.
Trở về địa phương khi chiến tranh kết thúc, ông đã có thời gian 22 năm tham gia công tác tại xã, trải qua các cương vị công tác như văn phòng Đảng ủy, ủy viên thư ký UBND xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Tuy bận nhiều công việc của tập thể song ông vẫn dành thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật để giữ gìn và phát triển hát chèo ở địa phương. Năm 2004 về nghỉ hưu, với niềm đam mê nghệ thuật chèo, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm nhiều làn điệu chèo cổ và sáng tác nhiều kịch bản chèo, nhiều bài hát chèo phục vụ cho các câu lạc bộ chèo trong xã, trong huyện và một số đơn vị trong tỉnh.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Giới đã truyền dạy cho 7 câu lạc bộ chèo trong xã, trong huyện và các nơi khác trong tỉnh và đào tạo được nhiều học trò xuất sắc với đa dạng các lứa tuổi từ các cháu học sinh tiểu học đến lớp tuổi trung niên. Theo nghệ nhân Phạm Ngọc Giới cái khó của nghệ thuật hát chèo là ở chỗ trong chèo có rất nhiều làn điệu, đòi hỏi người truyền dạy phải nghiêm túc, tỉ mỉ, chính xác, phải truyền tải được cho người học cảm xúc khi hát để có thể thể hiện được nội tâm của nhân vật và cái hồn của làn điệu. Một nguyên tắc bắt buộc nữa là người hát phải tròn vành, rõ chữ, hát vững nhịp phách, đúng trường độ, cao độ, luyến láy, phải biết cách kìm hơi, nhả chữ đúng cách thì bài hát mới hay. Do đó khi truyền dạy, ông Giới luôn cẩn trọng uốn nắn từng câu chữ để người học có thể nắm bắt nhanh nhất những tinh hoa của nghệ thuật chèo. Ông đã đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ chèo, một số lớp trẻ do ông đào tạo đã gắn bó với sự nghiệp văn hóa, trở thành diễn viên Nhà hát Chèo Ninh Bình, một số người đang là hạt nhân nòng cốt của các CLB chèo.
Không chỉ truyền dạy cho các CLB Chèo trên địa bàn tỉnh, ông Giới còn sáng tác các làn điệu mới, ca ngợi quê hương, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong số các kịch bản của ông sáng tác đã có 2 vở chèo đạt Huy chương vàng tại hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình, trong đó 1 kịch bản chèo đạt giải nhất, 1 kịch bản về hội làng truyền thông dân số đạt xuất sắc và nhiều kịch bản được các đơn vị trong xã, trong huyện, trong tỉnh biểu diễn. Ông cũng đã sưu tầm, sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu chèo, cho lưu hành nội bộ 2 tập sách hát chèo gồm 71 bài hát chèo đang được các câu lạc bộ hát chèo các địa phương sử dụng.
Trước nguy cơ mai một của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, những người như ông Giới đã và đang góp phần giữ lửa đam mê, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cho dân tộc, để những làn điệu Chèo còn tiếp tục vang xa trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Với những đóng góp của nghệ nhân Phạm Ngọc Giới cho nghệ thuật truyền thống, ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa; được UBND huyện Yên Khánh tặng nhiều giấy khen vì những đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Đặc biệt gần đây nhất, ông Phạm Ngọc Giới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Tiến Minh