Nghệ nhân Bùi Công Việt cho biết: Cách đây đúng tròn 10 năm, đó là đầu năm 2009, anh từ Quảng Nam ra Ninh Bình tìm việc, khi được biết tại đây đang xây dựng quần thể chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và Đông Nam á. "Mặc dù cũng đã là thợ điêu khắc đá tại Quảng Nam, nhưng lúc ấy ra Ninh Bình, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là đi để học hỏi thêm kinh nghiệm, cho biết đây biết đó, bởi Ninh Bình có làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) vốn đã nổi tiếng hàng trăm năm nay. Thế mà, không hiểu cái duyên thế nào, tôi lại lập nghiệp tại Ninh Bình và gắn bó cho đến hôm nay..." Anh Việt chia sẻ thêm.
Ra đến Ninh Bình, tìm đến chùa Bái Đính khi tại đây đang khẩn trương thi công các hạng mục quan trọng của công trình. Trong đó, Bùi Công Việt chú ý hơn cả đến dãy hành lang La Hán đang được thi công với hàng trăm pho tượng được đục bằng đá xanh nguyên khối. Nhìn công trình với quy mô lớn, hoành tráng, Việt thật sự say mê và mơ ước được tận tay chạm khắc những pho tượng ấy. Với vốn kiến thức có được khi xuất thân là thợ điêu khắc tượng Phật, chàng trai trẻ Bùi Công Việt đã đưa ra nhiều ý tưởng, suy nghĩ cho các pho tượng và được thử tay nghề bằng việc cho chạm khắc hai pho tượng Phật của Việt Nam là Phật hoàng Trần Nhân Tông và Bồ tát Thích Quảng Đức, là 2 trong số 500 tượng La Hán tại chùa.
Bằng vốn kiến thức và tay nghề đã có, chỉ trong thời gian ngắn, Bùi Công Việt đã tự tin làm ra hai tượng La Hán thành công ngoài mong đợi, được chủ xây dựng chùa đánh giá cao. Sau đó, anh được chủ xây dựng chùa ký hợp đồng để sửa lại 500 pho tượng La Hán đã được làm nhưng chưa vừa ý. Nhận được công trình lớn, Bùi Công Việt quyết tâm biến những pho tượng tại chùa Bái Đính phải có hồn cốt, thần thái của tượng.
Thế là anh về quê gọi anh em, bạn bè - những người có tay nghề vững về đục đẽo, điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cùng mình ra Ninh Bình thực hiện công trình lớn để đời. Doanh nghiệp xây chùa cung cấp hình ảnh tượng đến đâu, Việt cùng 4 người thợ làm đến đó. Doanh nghiệp giao làm trong 3 năm với 500 pho tượng, nhưng nhóm thợ của anh đã thi công chỉ hơn 2 năm là xong toàn bộ. Các tượng La Hán này sau đó được hội đồng chuyên môn do doanh nghiệp thuê về thẩm định và các nhà Phật giáo đánh giá cao vì thể hiện được thần thái và quyền năng của các pho tượng Phật.
Sau khi hoàn thành bộ tượng La Hán ở chùa Bái Đính, tên tuổi của nghệ nhân trẻ Bùi Công Việt được nhiều người biết đến. Ai cũng trầm trồ với tay nghề của anh khi làm ra hàng trăm pho tượng nhưng không tượng nào giống nhau và thể hiện được thần thái và quyền năng đặc biệt. Công trình ở chùa Bái Đính đã ghi danh Việt tại vùng đất vốn đã nổi tiếng với nhiều nghệ nhân tay nghề cao trong nghề điêu khắc đá.
"Điều làm tôi quyết định ở lại Ninh Bình lập nghiệp và gắn bó với nghề chạm khắc đá là khoảng năm 2011, khi đó tôi đang thực hiện 500 pho tượng tại chùa Bái Đính thì có một việt kiều đến tham quan và rất tâm đắc với các sản phẩm tôi làm ra. Họ đã đặt tôi làm 50 pho tượng La Hán trong số 500 pho tượng ở chùa Bái Đính mà họ thích nhất nhưng bằng chất liệu đá trắng để đưa đi Mỹ đặt tại ngôi chùa đang xây bên đó. Thế là, tôi thuê đất mở xưởng làm nghề và gắn bó với vùng đất Cố đô Hoa Lư từ ngày ấy..." - nghệ nhân trẻ Bùi Công Việt chia sẻ thêm.
Với chục năm gây dựng sự nghiệp tại vùng đất Ninh Bình, Bùi Công Việt không chỉ có các công trình tại tỉnh Ninh Bình mà còn nhiều công trình, tác phẩm để đời tại các tỉnh, thành khác.
Bằng niềm đam mê và ý thức làm nghề chân chính, Bùi Công Việt đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật từ những tảng đá vô tri, "thổi hồn" vào những pho tượng để đời tại các công trình, khu di tích. Những tác phẩm của anh được nhiều người biết đến và liên tục tìm đến đặt hàng, giúp anh có cuộc sống ổn định và hơn cả là niềm tự hào của một nghệ nhân điêu khắc đá mỗi khi được bạn bè, du khách nhìn ngắm tác phẩm của mình và trầm trồ thán phục.
Bài, ảnh: Hạnh Chi