Chuẩn bị cho đám cưới người con trai, bà Chiên ở phố Nhật Tân, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) ngược xuôi để tìm người nấu cỗ thuê. Bà Chiên cho biết, nhà ở phố nên diện tích khá chật hẹp, anh em dù ở gần song cũng chẳng có chỗ mà bày biện nấu nướng. Vậy nên bà quyết định thuê người nấu cỗ. Người nấu cỗ thuê thì nhiều lắm, nhưng để lựa chọn được một đội nấu lành nghề thì phải nhờ sự giới thiệu của những nhà đã từng có kinh nghiệm. Qua sự giới thiệu của hàng xóm, bà Chiên quyết định lựa chọn đội nấu cỗ của chị Lan. Vừa nhanh tay sơ chế chỗ tôm tươi chuẩn bị chế biến phục vụ đám cưới, Chị Lan vừa tâm sự, chị đã từng làm nghề nấu cỗ thuê gần 5 năm nay. Trước đây, chị chỉ đi theo để rửa bát thuê thôi, nhưng dần dần được các chị trong đội hướng dẫn cách nấu nướng. Với bản tính ham học hỏi nên tay nghề của chị Lan dần được nâng cao. Khi đã là thợ cứng rồi thì chị Lan tách ra làm riêng. Theo chị Lan, nghề tuy có vất vả song được cái không bao giờ sợ ế. Nào là cỗ đám ma, đám cưới, hỏi, sinh nhật, mừng thọ, liên hoan cơ quan… diễn ra quanh năm, nhưng những tháng cuối năm bao giờ cũng bận rộn hơn cả. "Có hai hình thức để thỏa thuận cách làm với gia chủ, một là gia chủ tự lo nguyên liệu, chúng tôi chỉ phải lo dụng cụ nấu ăn hoặc gia chủ khoán cả cho bên dịch vụ từ khâu chuẩn bị nguồn nguyên liệu thực phẩm đến khâu nấu nướng, thiết kế bày mâm và cả công việc dọn dẹp khi bữa ăn kết thúc.
Dù là lựa chọn hình thức nào thì cái tài của mỗi đội nấu cỗ là khả năng tính toán nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu hợp lý để dù nguồn kinh phí có hạn hẹp một chút nhưng vẫn bày biện được những mâm cỗ đẹp mắt, đủ đầy với những nguyên liêu tươi ngon. Bởi vậy, mỗi khi nhận lời làm cỗ, chị Lan đã tư vấn cho gia chủ thực đơn phù hợp với thị hiếu của khách và lượng thực phẩm cần mua cho hợp lý. Dù là làm thuê, nhưng người làm dịch vụ cũng phải có trách nhiệm như thể làm cho chính người thân của mình" - chị Lan nói. Cũng bởi làm nghề có trách nhiệm, tạo được uy tín nên đội nấu cỗ của chị Lan làm không xuể việc. Để đáp ứng nhu cầu của khách, vào mùa đội của chị Lan phải thuê thêm nhân công thời vụ vì cỗ ăn phải đúng giờ để kịp giờ hoàng đạo của gia chủ. Chị Lan bảo, thợ phụ chủ yếu làm việc nhặt rau, rửa thực phẩm và bưng mâm… cũng kiếm được 200 nghìn/ngày.
Trước đây, nghề nấu cỗ chỉ phát triển ở thành phố, nhưng giờ thì nhiều gia đình có điều kiện ở nông thôn cũng lựa chọn giải pháp này mỗi khi gia đình có việc lớn. Cỗ bàn thì quanh năm nhưng rộ nhất vẫn là thời điểm cuối năm. Đây là thời điểm mở giỗ chạp, tạ mộ, liên hoan, cưới hỏi nhiều hơn. Nấu cỗ tại nhà vừa tạo không khí thân mật lại sạch sẽ, tiết kiệm nên được rất nhiều nhà tìm đặt.
Chúng tôi gặp đội nấu cỗ của chị Hiên, xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn) khi đội của chị đang nấu cỗ phục vụ bữa liên hoan của một đơn vị. Chị Hiên chia sẻ, trước đây, vào lúc nông nhàn tôi theo một người quen lên thành phố làm việc phụ nấu cỗ. Công việc cũng đơn giản mà mức thù lao lại khá cao nên tôi cố gắng vừa làm vừa học tập những người nấu chính. Giờ thì tôi đã trở thành "thủ lĩnh" của một nhóm nấu cỗ thuê. ở quê cũng không có việc thường xuyên nên chúng tôi còn đi làm cả ở những địa phương lân cận, lên cả thành phố. Khi chưa vào mùa, cơ sở chủ yếu nhận đơn hàng khoảng hơn chục mâm, mỗi ngày trung bình có từ 1-2 đơn hàng… thu nhập thấp nhất cũng được từ 4-5 triệu đồng/tháng. Khi vào dịp cuối năm thì mức thu nhập cao hơn hẳn nhờ có nhiều đơn đặt hàng tới hàng trăm mâm. Chị Hiên bảo, nghề này tuy cho thu nhập khá hơn so với nhiều nghề khác, nhưng đây cũng thực sự là một nghề vất vả. "Chúng tôi phải thức khuya, dậy sớm với cường độ làm việc cao. Nhiều lúc lưng đau ê ẩm, chân tay mỏi rã rời vì phải vận động liên tục. Ngày lạnh còn đỡ, chứ vào mùa hè nóng nực, phải ngồi chao tôm, rán cá, tiếp xúc nhiều với mỡ, lửa, mặt mũi lúc nào cũng nóng rát… nhưng vì đã là nghề nên mình phải cố gắng làm cho có uy tín. Cái nghề này "sống" được hay không đều phụ thuộc vào chữ "tín". Không chỉ có đám cưới, nếu khách có nhu cầu như giỗ, liên hoan, sinh nhật, đám hiếu… mà thuê nấu hoặc thuê trọn gói (gồm cả mua thực phẩm) thì đội của tôi đều sẵn sàng phục vụ"- chị Hiên chia sẻ. Cũng theo chị Hiên, trong chế biến cỗ, người nấu phải hết sức coi trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy, mà những người làm nghề nấu cỗ thuê thường có các đầu mối thực phẩm "ruột" từ các vùng quê lân cận. Như vậy, họ có thể lấy được thực phẩm tươi ngon với mức giá "mềm" hơn. Thậm chí, một số cơ sở còn liên kết với các mô hình VAC để cung cấp nguồn thực phẩm chủ động. Nhờ đó, khi có nhu cầu lớn, họ không phải mất thời gian huy động nguồn thực phẩm từ nhiều nơi, lại có thể đảm bảo nguồn gốc thực phẩm tốt nhất cho công việc của mình.
Nguyễn Hùng