Tình yêu với Xẩm Trong dòng chảy hối hả của đời sống, khi những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một thì vẫn có những con người đang từng ngày, từng giờ mang hết sức lực, tâm huyết của mình để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chúng tôi gặp nghệ sỹ trẻ Bùi Công Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Xẩm Hải Thành tại Yên Phong khi anh tham gia biểu diễn nghệ thuật hát Xẩm cùng với nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. Hình ảnh bộ quần áo nâu, chiếc khăn vắt vai, cách kéo nhị cho đến lối hát nhấm nhẳng, da diết và hóm hỉnh mỗi khi kết thúc bài hát bằng 2 từ "hết rồi" khiến tôi không khỏi liên tưởng tới hình ảnh của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Một biến cố trong cuộc sống đã đưa Sơn tìm đến với Xẩm, chính vì vậy Sơn nhanh chóng cảm thụ và sống đời sống của Xẩm. Sơn tâm sự: Có những đợt em đạp xe lang thang mấy ngày đến các chợ ở Hải Phòng, Nam Định để hát Xẩm, nhiều người thích quá yêu cầu em hát lại khiến em khản cả giọng.
Sự cổ vũ của mọi người chính là động lực để em cố gắng mang tiếng hát của mình phục vụ đời sống. Chính vì thế mà gần đây người ta quen gọi em là "Sơn Xẩm". Ước mơ lớn nhất của Sơn Xẩm là góp phần nhỏ bé của mình đưa Xẩm trở thành di sản phi vật thể được thế giới công nhận.
Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa (Hà Nội), là một trong những nghệ sỹ trẻ được cố nghệ nhân Hà Thị Cầu yêu mến truyền dạy nghề. Những năm qua chị đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát Xẩm. Việc chị và một số nghệ sỹ thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam và trải chiếu hát Xẩm vào tối thứ bảy hàng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân đã khẳng định những bước đi dài hơi trong việc mong muốn lưu truyền nghệ thuật hát Xẩm cho muôn đời sau.
Gặp chúng tôi sau buổi biểu diễn tại quê hương cố nghệ nhân Hà Thị Cầu cùng nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa, chị xúc động nói: Ngày nay, đời sống phát triển, đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh chóng. Những cây cầu bắc qua sông kéo gần nhịp khoảng cách đôi bờ, xe, người tấp nập qua lại nên khó có thể tìm kiếm công việc từ những quán chợ, bến sông nữa. Hát Xẩm cũng theo đó mà mai một, song, không bao giờ mất hẳn. Nó vẫn vang vọng trong tâm thức con người.
Một đêm khuya thanh vắng, bỗng tiếng đàn nhị réo rắt vang lên, hòa vào tiếng hát ai oán, thê thầm của người hát… chẳng ai có thể ngủ yên. Hát Xẩm đánh thức lòng người. Mạch sống ấy có thể bị đứt đoạn mà không thể biến mất trong đời sống. Nó ra đời để phục vụ nhu cầu con người và khi con người còn rung động thì hát Xẩm chưa thể mất đi".
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Mô cho biết: Năm vừa qua, địa phương đã ghi nhận rất nhiều đóng góp trong hoạt động lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm của các nhóm nghệ sỹ, các trường đại học trên toàn quốc tham gia biểu diễn tại quê hương Yên Phong, Yên Mô.
Đặc biệt, để bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm truyền thống, từ năm 2014 đến nay, huyện Yên Mô đã mở được 10 lớp truyền dạy hát Xẩm cho giáo viên dạy âm nhạc các trường Tiểu học, THCS và các em học sinh trên địa bàn. Năm 2018, lần đầu tiên Yên Mô mở lớp truyền dạy nhạc cụ hát Xẩm, với mong muốn xây dựng được lớp nhạc công trẻ kế cận, trong tương lai có thể phát huy loại hình văn hóa phi vật thể hát Xẩm.
Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Mô còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh các lớp hát Xẩm được giao lưu với các nghệ nhân lớn tuổi trên địa bàn; tổ chức Liên hoan hát Xẩm huyện Yên Mô để tạo sân chơi cho học sinh và tích lũy kinh nghiệm trong biểu diễn hát Xẩm…
Ngoài ra, các "nghệ nhân" còn tham gia một số liên hoan ca nhạc của huyện, tỉnh và giành được những thành tích đáng nể như: Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014 và Liên hoan đàn, hát dân ca tỉnh Ninh Bình năm 2015. Đặc biệt, tiết mục hát Xẩm "Theo Đảng trọn đời" của các em lớp hát Xẩm huyện Yên Mô nhiều lần được chọn biểu diễn trong các sự kiện lớn của tỉnh Ninh Bình.
Bảo tồn Xẩm theo hướng nào?
Hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố dân gian, gần gũi và được rất nhiều người yêu thích. Bên cạnh những giá trị đặc biệt trong quá khứ, ở giai đoạn hiện nay, môi trường trình diễn xưa đã không còn, thay vào đó là những hình thức trình diễn mới, sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa.
Song cái khó là hiện nay còn quá ít nghệ nhân hành nghề hát Xẩm. Những người hiện đang hát chủ yếu là do đam mê chứ không phải hát để kiếm sống. Hát Xẩm đang dần bị mai một, nếu như cơ quan chức năng chưa có hành động cụ thể để vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Nghệ sỹ ưu tú Mai Thủy, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình chia sẻ: "Muốn bảo tồn đúng truyền thống thì cần không gian diễn xướng truyền thống. Tuy nhiên, điều này giờ là không thể. Bản thân Xẩm là loại hình nghệ thuật đàn hát, không có vũ đạo. Trong quá trình phát triển của xã hội, việc Xẩm lên sân khấu là điều phải chấp nhận để có "đất" tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, khi chuyển mình lên sân khấu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và rất nhiều yêu cầu mới như dựng bối cảnh, kỹ thuật âm thanh, kịch bản… và nghệ sĩ khi biểu diễn phải biểu lộ cảm xúc tốt trong không gian diễn xướng mới để cuốn hút người nghe, xem. Khi nghe Xẩm có thể không cần nghe hết bài, vì bài Xẩm thường rất dài, chỉ cần nghe văng vẳng thoảng vài câu hát nhưng nó lại thấm vào lòng người".
Được biết, để duy trì lớp dạy hát Xẩm trong những năm qua, huyện Yên Mô đã trích nguồn kinh phí từ xúc tiến du lịch để mua đàn, trống, nhị và bồi dưỡng cho học sinh. Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn Yên Mô giai đoạn 2011-2016 đã kết thúc với thành công bước đầu là đưa nghệ thuật hát Xẩm vào trường học. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí cho các lớp học để những điệu hát Xẩm được vang mãi trên quê hương Yên Mô.
Nguyễn Thơm