Thư pháp là phép viết chữ, hiểu rộng ra là nghệ thuật viết chữ đẹp. Bộ môn nghệ thuật này có từ lâu đời, xuất xứ từ Trung Hoa và ả Rập. Có cả một khoảng thời gian dài các triều đại phong kiến Việt Nam theo chế độ Nho học bởi vậy nghệ thuật thư pháp cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách thư pháp của người Trung Hoa. ở thời hiện đại, chữ Quốc Ngữ đã thay thế chữ Nho, thư pháp Hán học cũng mất dần địa vị độc tôn, tuy nhiên thói quen chơi chữ, cho chữ vẫn được người dân Việt giữ gìn như một nép đẹp trong văn hóa truyền thống. Hiện tại ngoài nghệ thuật thư pháp Hán, còn xuất hiện thêm thư pháp Việt.
Thư pháp có nghĩa là phép viết chữ nhưng không đơn thuần chỉ với cách hiểu phép viết chữ sao cho đẹp mà thư pháp trong hàm nghĩa sâu xa của nó còn thể hiện "tâm", "khí", "lực" của người dụng bút. Người Việt từng quan niệm "nét chữ, nết người" cũng chính là thể hiện một phần quan điểm định nghĩa về thư pháp trên.
ở Ninh Bình, vào những dịp Tết đến, Xuân về nhiều người yêu văn hóa cổ truyền vẫn giữ thói quen xin chữ đầu xuân. Lẽ dĩ nhiên có người xin chữ, chơi chữ tất phải có người cho chữ, viết chữ. Vậy là mỗi độ xuân đến có những ông đồ Ninh Bình lại tất bật với việc viết chữ, những người yêu mến cổ học lại có dịp chiêm nghiệm, thưởng lãm cái đẹp của văn hóa truyền thống. Họa sỹ Nguyễn Phúc Khôi, một người đã nhiều năm theo đuổi nghệ thuật thư pháp chia sẻ: Năm 2011 tôi nghỉ hưu, liền để tâm tìm hiểu thư pháp. Thư pháp là bộ môn nghệ thuật đã có từ lâu trong lịch sử nên khi để tâm tìm hiểu "ngộ" ra rất nhiều điều thú vị. Thư pháp có nhiều lối thư pháp Hán, thư pháp Việt, riêng tôi tâm đắc và thích lối viết thư pháp Việt theo kiểu Long Phụng. Tôi có nhiều năm viết thư pháp tại chùa Bái Đính, khu đền vua Đinh, vua Lê hoặc tham dự các sự kiện văn hóa vào những ngày xuân cũng cảm thấy có nhiều người dân cảm mến nghệ thuật thư pháp. Đây chính là một niềm động viên đối với chúng tôi. Và việc thực hành thư pháp ở một góc độ nào đó cũng là góp phần tôn vinh một nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Nhà thư pháp trẻ Hoàng Dũng, quê Ninh Mỹ (Hoa Lư), năm nay tuổi mới 40 nhưng đã có thâm niên mười mấy năm viết chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hoàng Dũng là một người trẻ nhưng yêu mến cổ văn, anh đặc biệt sở trường môn thư pháp Hán. Lối viết của Dũng có nhiều điểm giống lối thư họa Trung Hoa cổ điển. Nói về nghệ thuật thư pháp Dũng chia sẻ:"Thư pháp Hán có bề dày lịch sử. Thư pháp Trung Hoa hình thành nhiều lối viết như Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo. Cũng có nhiều nhà thư pháp đạt được trình độ siêu việt như: Vương Hi Chi, Nhan Chân Khanh, Triệu Mạnh Phủ, Âu Dương Tuân, Tống Huy Tông... Những người mê thư pháp Trung Hoa cũng mô phỏng theo các lối viết này. ở thời hiện tại số người am hiểu về Hán tự không nhiều nên người chơi thư pháp Hán cũng có hạn, tuy vậy vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán vẫn có nhiều người giữ thói quen xin chữ đầu xuân. Những người nghiên cứu về cổ học có phần nghiêng về tâm linh tin rằng chơi chữ vừa thể hiện cái "chí", cái "khí" của mình, lại vừa mang lại sự hanh thông, may mắn. Đối với người chơi thư pháp, viết chữ không thuần túy là yêu mến một loại văn tự mà tìm hiểu và thực hành thư pháp cũng là cách di dưỡng tinh thần, rèn luyện cho con người ta sự điềm tĩnh, khiêm cung, khoan hậu... Bởi vậy trong nhiều năm cho chữ tại Văn Miếu, nhà thư pháp Hoàng Dũng được nhiều người xin các chữ Tâm, Đức, Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Trung, Tín, Lễ hoặc đề nghị thầy đồ viết cho các bài cổ thi nổi tiếng, các câu ngạn ngữ, châm ngôn...Theo Hoàng Dũng, thực hành thư pháp cũng là một cách gián tiếp bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hoạt động cần được khuyến khích hơn nữa.
Người mê thư pháp đôi khi không đơn thuần ở những người thuộc tầng lớp trí thức, mà nhiều người tầng lớp bình dân vẫn có thể theo đuổi nét văn hóa đẹp này. Anh Nguyễn Quốc Toản đường Thành Công, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) là một minh chứng. Anh Toản chỉ là một người bình dân nhưng rất ham thích tìm hiểu các nét văn hóa cổ truyền. Niềm đam mê ấy đưa anh đến với nghệ thuật thư pháp một cách tự nhiên. Đến nay anh Toản đã có thâm niên 5 năm làm bạn với thư pháp Việt. Hiện để mở rộng sự hiểu biết, anh đã chuyên tâm tìm hiểu thêm Hán tự và luyện tập thêm thư pháp Hán. Anh Toản chia sẻ, ba năm gần đây, cứ sau Tết ông Công ông Táo, công việc rảnh rỗi là anh lại sắm vai ông đồ đi cho chữ tại khu Chợ hoa xuân Nhà thi đấu đến giáp Tết, còn từ sau thời khắc giao thừa cho tới rằm tháng Giêng thì cho chữ tại đền Trương Hán Siêu. Thư pháp với "ông đồ Toản" không đặt nặng chuyện mưu sinh mà cái chính là anh có được những giây phút thăng hoa thực sự với thú chơi mà mình yêu thích. Cảm giác được "phiêu" cùng nét bút khi viết chỉ những người chơi thư pháp mới cảm nhận hết được hạnh phúc ấy.
Đến với thư pháp cho dù là người chơi chữ, cho chữ họ đều gặp nhau ở một điểm là những người yêu mến và còn nặng lòng với những giá trị văn hóa cổ truyền. Tục xin chữ đầu xuân không chỉ đơn giản là một thú chơi mà nó còn hàm ẩn trong đó niềm yêu mến những nét đẹp văn hóa của ông cha như tinh thần hiếu học, trân trọng trí thức, cảm mến những giá trị đạo đức truyền thống... Những giá trị chuẩn mực của văn hóa cổ truyền mà ngay cả ở thời hiện đại vẫn phát huy giá trị rất tích cực trong đời sống xã hội và với mỗi cá nhân.
Phương Nam