Ngày đầu tiên thực hiện quy định Lễ quốc tang, trên địa bàn cả nước nói chung, tại tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn nói riêng, ở các cơ quan, đơn vị, trường học, đường phố, nơi công cộng… đều treo cờ rủ và băng tang tưởng nhớ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thị trấn Phát Diệm thường ngày sôi động, tấp nập người giao thương là vậy mà nay thưa thớt và trầm lặng hẳn đi.
Tại các trường học, khu phố, nơi công cộng, các khu dân cư, nơi mua sắm..., đều mang nỗi buồn đau, thương cảm và câu chuyện Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra đi. Bầu trời Kim Sơn lúc nắng, lúc mưa, khi u ám, như sẻ chia với nỗi buồn thương của mỗi người dân Kim Sơn đối với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Đúng 7h30, tại xóm 13, xã Quang Thiện (Kim Sơn), hàng nghìn người với trang phục áo đen, băng tang đã đến viếng và thắp hương tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ngoài các đoàn của đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương… còn có khá nhiều người dân, anh em họ hàng nội ngoại của Chủ tịch nước từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã trở về quê hương của Chủ tịch nước để thắp nén tâm hương, bày tỏ lòng tiếc thương và tiễn biệt Chủ tịch nước về nơi an nghỉ cuối cùng.
Gia quyến Chủ tịch nước trong lễ viếng tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thế Minh
Đoàn viếng đầu tiên là Đoàn đại biểu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đặt vòng hoa, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Vòng hoa mang dòng chữ: "Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình kính viếng".
Thay mặt Đoàn, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gửi tới gia đình đồng chí Chủ tịch nước lời chia buồn sâu sắc nhất; đồng thời viết vào sổ tang: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, một lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch nước và gửi đến gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất."
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chia buồn với gia quyến Chủ tịch nước.
Buổi sáng diễn ra lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, không chỉ người dân xóm 13 mà ở nhiều xóm khác trên địa bàn xã Quang Thiện và các xã lân cận, người dân xếp thành từng đoàn đến viếng, tiễn biệt người con ưu tú của quê hương. Bà Trần Thị Mít, năm nay đã hơn 80 tuổi, sức khỏe yếu nhưng bà vẫn nhờ con cháu dìu ra nơi đặt di ảnh và tổ chức lễ viếng của Chủ tịch nước để kính cẩn nghiêng mình trước anh linh người đã khuất.
Bà Mít bồi hồi nhớ lại những ngày còn làm xã viên HTX, từng là người trông coi mấy anh em của Chủ tịch nước thời thơ bé, bà cũng có người con trai bằng tuổi Chủ tịch nước, đã hi sinh tại chiến trường miền Nam, nay đến tiễn biệt Chủ tịch nước bà cảm thấy như thêm một người con của mình đã ra đi, một nỗi buồn đau quá lớn.
Trong đoàn người vào thắp hương tưởng nhớ, tiễn biệt, có nhiều đồng chí từng công tác trong lực lượng vũ trang. Với họ, Chủ tịch nước là người quan tâm đến sự phát triển chung của đất nước, trong đó có nhiều đóng góp đến sự phát triển của lực lượng Công an, đến bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ.
Nhiều người dân dành trọn tình cảm đối với vị Chủ tịch nước- người con ưu tú của quê hương.
Ông Trần Ngọc Thái, nguyên Trung tá, Chủ nhiệm hậu cần, Ban CHQS huyện Yên Khánh cho biết, ông và hội viên CCB xã Khánh Hội (Yên Khánh) rất bất ngờ và buồn đau trước sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước, bởi qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó vẫn thấy Chủ tịch nước thực hiện những trọng trách của mình đối với đất nước. Là một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Hội, ông Thái cho rằng, ông và những CCB trong xã học được rất nhiều điều ở vị Chủ tịch nước đáng kính - Đó là một tấm lòng vì dân, vì nước và luôn nặng lòng với quê hương.
Cùng trong đoàn người là anh em, họ hàng, người dân quê nội của Chủ tịch nước đến thắp hương tưởng niệm, bà Đinh Thị Mão, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định không khỏi bùi ngùi xúc động. Bà Mão cho biết, tuy ở xa, lại cao tuổi, nhưng khi nghe tin buồn, tôi thăm vẫn vượt đường xa đến tận đây để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Chủ tịch nước. "Nỗi buồn đau, thương tiếc là rất lớn, nhưng "nghĩa tử là nghĩa tận", được đến tận nơi để thắp nén hương cho Chủ tịch nước về miền cực lạc là tôi mãn nguyện lắm rồi…".
Đối với đồng chí Nguyễn Văn Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan thì hôm nay, đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng là dịp để Đoàn cán bộ lãnh đạo xã được báo cáo với Chủ tịch nước sự phát triển của quê hương - nơi cách đây gần 3 năm (tháng 5/2015), Chủ tịch nước (khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Công an) đã về thăm, động viên và chỉ đạo xã cần chung tay, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng no ấm, giàu đẹp.
Với sự quan tâm, động viên của Chủ tịch nước, tháng 8/2015, xã Quỳnh Lưu đã tổ chức kỷ niệm 70 năm kháng Nhật, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay cuộc sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao, các gia đình chính sách, người có công được quan tâm, chăm sóc chu đáo, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, sự nghiệp giáo dục đào tạo của xã trên đà phát triển.
Người dân trong tỉnh về khu vực xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn để được dâng hương, viếng Chủ tịch nước.
Tại Trường THPT Kim Sơn B, ngôi trường trước đây Chủ tịch nước đã từng học những năm 1969, 1970, 1971, thầy và trò nhà trường đã tổ chức treo cờ rủ từ ngày 23/9 để mỗi thầy, cô giáo và các em học sinh hàng ngày tưởng nhớ đến người học trò xuất sắc đã học tại ngôi trường này cách đây gần 50 năm. Thầy hiệu trưởng nhà trường Vũ Xuân Sinh bùi ngùi chia sẻ, Trường vinh dự được nhiều lần được Chủ tịch nước về thăm, tặng các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học và luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục của nhà trường.
Đặc biệt là năm học 2018-2019 này, nhà trường nhận một nỗi buồn đau khi cựu học trò xuất sắc của Trường đã ra đi mãi mãi. Điều đó đòi hỏi thầy và trò nhà trường phải kìm nén đau thương, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch nước "Phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục về trí dục, đức dục, quan tâm giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…, đào tạo ra những con người phát triển toàn diện, có ích cho đất nước, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Ngày 26/9, con đường vào xóm 13, xã Quang Thiện bình thường đẹp là vậy, với những hàng cây xanh mướt, dòng sông nhỏ hiền hòa, nhưng hôm nay nay thật buồn và u ám. Người dân trong xóm và khắp nơi đổ về, họ gặp nhau như anh em, họ hàng, cùng chia sẻ kể chuyện cho nhau nghe về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Chủ tịch nước đối với quê hương, đất nước. Ai cũng tâm niệm sẽ góp phần nhỏ bé của mình thực hiện tốt tâm nguyện của Chủ tịch nước là xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp, mọi người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Mỹ Hạnh- Đức Lam