Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Bùi Phú Bắc, ông phấn khởi cho biết, trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo của xã đã đạt được kết quả ấn tượng. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới là 60 hộ, đạt 2,89%, giảm 105 hộ so với năm 2005. Trong tổng số 2.168 hộ thì số hộ khá là 824 hộ, chiếm 39,74%, số hộ giàu chiếm 9,35%, số hộ đủ ăn chiếm 48,48%. Toàn xã có 22 ô tô con và xe vận tải, 19 xe công nông, 60 máy làm đất, 38 máy vò lúa… để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hiện toàn xã có hơn 200 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Mỗi năm, lượng lao động này gửi về địa phương hơn 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ có ti vi, xe máy chiếm trên 80%, nhiều hộ còn sắm được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác như tủ lạnh, điều hòa...
Đặc biệt, những gia đình chính sách, người có công, người nghèo được địa phương, các đoàn thể quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển sản xuất nên đời sống ngày càng ổn định, nhiều năm nay xã không còn nhà tranh tre dột nát… Có được những kết quả này, phải nói đến nguyên nhân đầu tiên đó là việc bà con trong xã thực hiện có hiệu quả chủ trương "dồn điền đổi thửa" từ đầu những năm 2000. Việc dồn điền đổi thửa ở Gia Hòa lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Song nhờ ý Đảng hợp lòng dân, cho nên cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đó. Và thực tế, hiệu quả từ việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đang ngày càng được thể hiện rõ nét.
Để minh chứng, Chủ tịch UBND xã dẫn tôi đi thăm quan một số mô hình làm kinh tế giỏi. Địa chỉ đầu tiên là gia đình anh Nguyễn Văn Dương (thôn Cầu Vàng). Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, song từ lâu anh Dương đã được mọi người yêu mến tôn là "Vua cá chuối" với một khu chăn nuôi cá chuối thịt khá tập trung, hiện đại. Bên cạnh nuôi cá chuối thịt, anh Dương còn nuôi một số con đặc sản khác như: ba ba, nhím. Mỗi năm, anh Dương có thu nhập từ chăn nuôi khoảng 200-300 triệu đồng. Anh Dương nói: Trước đây, gia đình tôi nhận khoán vài sào ruộng, nhưng phải chạy một lúc trên vài cánh đồng với những ô, thửa ruộng chỉ dăm bảy mét vuông. Ruộng đất manh mún thì sao tính chuyện chuyên canh bền vững, giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác không thể nâng cao được. Vậy nên ngay khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình tôi hưởng ứng đầu tiên. Thú thật, nếu không có Nghị quyết của Đảng, cũng như không có sự nhường nhịn nhau của bà con trong xã để có thể dồn điền, đổi thửa giúp gia đình tôi có đất lập trang trại, xây dựng ao hồ chăn nuôi thì suốt đời tôi cũng không dám mơ thành "trại chủ" như bây giờ…
Ông chủ Đinh Văn Thắng cũng ở thôn Cầu Vàng, được biết đến như một điển hình trong sản xuất giỏi. Từ việc dồn điền đổi thửa, gia đình ông chuyển đổi sang mô hình 1 lúa + 1 cá kết hợp nuôi thủy cầm. Mô hình này mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm. ở Gia Hòa, những gia đình làm giàu từ đồng ruộng như anh Dương, ông Thắng không còn là hiếm. Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Hiện, toàn xã có 5 trang trại lớn nuôi lợn, gà, vịt với số lượng trên 50.000 con; 125 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 200 ha. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ nuôi các con đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nhím, hươu, dê… cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm.
Trong năm 2010, xã đã tổ chức 52 lớp bồi dưỡng cho 3.640 lượt người. Nhờ đó, thời gian qua cơ cấu mùa vụ, cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều cây trồng có giá trị cao được đưa vào canh tác; quy hoạch vùng lúa cao sản (300 ha), mở rộng diện tích trồng cây vụ đông (221,66 ha); cùng với đó, các chính sách hỗ trợ giống, vốn, tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi… cũng đã góp phần quan trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trong năm 2010, tổng sản lượng lương thực cả màu quy thóc là 6.158,48 tấn, bình quân đầu người đạt 757 kg/người, tăng 43 kg so với năm 2009.
Cùng với thâm canh cây lúa, xã đang tập trung phát triển mạnh kinh tế đồi vườn. Hiện toàn xã có khoảng 600 hộ trồng cây ăn quả như: na, vải, nhãn… tập trung ở: Gọng Vó, Đồi Ngô, Đá Hàn và phân tán ở một số cơ sở thôn. Vào vụ thu hoạch, thương lái về tận nơi thu mua. Kinh tế đồi vườn đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Thu Hằng