Phóng viên (P.V): Thị đoàn Tam Điệp đã đưa cuộc vận động cưới theo nếp sống văn minh vào thực tiễn cuộc sống ở địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Tạ Quang Khải: Từ năm 1998, tỉnh ta đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-T.Ư của Bộ Chính trị về "Thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội". Trong đó, cuộc vận động thanh niên thực hiện việc cưới theo nếp sống mới của Tỉnh đoàn đã thu hút được sự quan tâm của toàn thể xã hội và đạt được những kết quả bước đầu.
Theo đó, trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh đoàn, BTV Thị đoàn đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể thị xã tuyên truyền rộng khắp đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên với nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt các CLB "tiền hôn nhân", các diễn đàn "khi tôi 18", thi tìm hiểu Luật Hôn nhân gia đình, tổ chức các mô hình mẫu về cưới văn minh tiết kiệm... Hưởng ứng cuộc vận động này, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở đã tích cực, kịp thời xây dựng Nghị quyết, hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc cưới theo nếp sống mới.
Đoàn thanh niên thị xã đã tích cực, chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch để triển khai cuộc vận động cưới văn minh, tiết kiệm trong đoàn viên, thanh niên theo mô hình "5 không": Không vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, không tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, cản trở hôn nhân và thách cưới; Không tổ chức ăn uống linh đình; Không lãng phí trong mua sắm, chuẩn bị việc cưới; Không sử dụng thuốc lá để tiếp khách, không uống rượu bia say; Không vi phạm hương ước, quy ước của khu dân cư, không vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Đi đầu trong cuộc vận động này trước hết là những cán bộ đang tham gia công tác Đoàn, Hội LHTN như anh Phạm Đức Tú, nguyên Bí thư Đoàn phường Nam Sơn; anh Phạm Đức Hậu, nguyên Bí thư chi đoàn cơ quan Thị ủy... Các tổ chức cơ sở Đoàn thực hiện tốt việc này có thể kể đến trước hết là Chi đoàn cơ quan Thị ủy, UBND thị xã, Đoàn phường Nam Sơn... Các tập thể, cá nhân đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới thực sự là tấm gương để các đoàn viên, thanh niên toàn thị xã noi theo, góp phần làm chuyển biến về nhận thức và hành động của toàn xã hội về việc tổ chức việc cưới theo nếp sống mới.
P.V: Làm thế nào để những lễ cưới theo nếp sống mới "hấp dẫn" được các bạn trẻ và nhiều gia đình?
Đ/c Tạ Quang Khải: Thực hiện NSVM trong việc cưới, phải theo hướng đi lên, tiết kiệm chứ không hà tiện, hợp thời đại mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục. Có như vậy, mới mong tìm được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Chính vì thế, mô hình cưới theo NSVM luôn được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp. Từ năm 2008, Thị đoàn Tam Điệp đã mở lớp tập huấn cho cán bộ Đoàn cơ sở. Tại buổi tập huấn, ngoài những nội dung tọa đàm về "Thanh niên với nếp sống lành mạnh trong việc cưới", Thị đoàn đã cho thực hành hai đám cưới mẫu, một đám cưới dành cho thanh niên thành thị và một đám cưới dành cho thanh niên nông thôn. Mô hình đám cưới mẫu này đã nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của đông đảo đoàn viên cơ sở. Nét mới trong đám cưới mẫu này là tổ chức Đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho đôi bạn trẻ đăng ký kết hôn trong không khí trang trọng, có sự chứng kiến của cán bộ địa phương. Sau khi đăng ký kết hôn, đôi bạn trẻ sẽ được tham gia vào lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm của địa phương. Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được chính quyền trao vào chính ngày cưới…
Ngoài ra, Ban chấp hành Đoàn cơ sở còn thành lập "tổ tư vấn", theo đó, "tổ tư vấn" bao gồm những người có kinh nghiệm về pháp luật, sức khỏe, mua sắm… Trước khi tổ chức cưới, các cặp uyên ương sẽ được "tổ tư vấn" này giúp đỡ trong việc lựa chọn, mua sắm các dịch vụ cưới cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Qua tổ chức Đoàn cơ sở, có thể đôi uyên ương sẽ được giảm giá tới 10% khi mua sắm các dịch vụ cưới.
Tại lễ cưới, chính quyền địa phương đã trao giấy chứng nhận kết hôn và chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ. Cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới cho nhau dưới sự chứng kiến của 2 họ và bạn bè, sau đó là các tiết mục văn nghệ. Chủ hôn là cán bộ Đoàn địa phương. Các đồng chí đoàn viên khác thì giúp gia chủ trong khâu "lễ tân". Những hủ tục rườm rà đã được lược bỏ, vì thế cô dâu, chú rể cũng đỡ mệt mỏi. Tiệc trà đơn giản gọn nhẹ, mọi người đến dự không phải nặng nề về tặng phẩm, ai cũng cảm thấy vui vẻ…
P.V: Có nhiều ưu điểm, song trên thực tế việc nhân rộng những đám cưới mẫu cũng không hề đơn giản?
Đ/c Tạ Quang Khải: Đúng vậy, tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thị xã Tam Điệp cũng mới chỉ tổ chức được 250 đám cưới theo nếp sống mới. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là do nếp cưới hỏi cũ đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, rất khó thay đổi ngay được. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh quan niệm dựng vợ, gả chồng cho con là việc đại sự của gia đình, nên ai cũng muốn lo cho con "bằng bạn, bằng bè", người tổ chức sau muốn làm to hơn những người tổ chức trước. Trong khi đó, thì công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn chưa thực sự vào cuộc, kỹ năng tuyên truyền kém hiệu quả. Mặt khác, năng lực tổ chức của cán bộ Đoàn cơ sở còn hạn chế, do đó vai trò của tổ chức Đoàn chưa được thể hiện rõ nét…
Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới, Thị đoàn sẽ tích cực chỉ đạo cùng các đơn vị còn yếu, đẩy mạnh phong trào liên kết giữa các đơn vị Đoàn. Mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng làm việc cho cán bộ Đoàn cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, để đưa được nếp sống văn minh vào việc cưới, vai trò của các đoàn viên, thanh niên rất quan trọng. Họ chính là tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả nhất để vận động chính gia đình mình gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi sức trẻ được phát huy thì việc cưới mới không trở thành hủ tục mà sẽ là những kỷ niệm đẹp của mỗi gia đình và là hạnh phúc trọn vẹn của các lứa đôi.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (Thực hiện)