Bác sĩ trẻ Trần Văn Thiện, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là người có hơn 10 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Lần hiến máu gần đây nhất là lần thứ 13 vào dịp cuối năm 2018, mỗi lần có từ 250-300ml máu của anh được bổ sung vào ngân hàng máu dự trữ, góp phần cứu chữa người bệnh thiếu máu. Bác sĩ Thiện cho biết, là bác sĩ nên hơn ai hết, tôi hiểu rõ việc tham gia hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mỗi người, nên khi còn đủ điều kiện về sức khỏe, anh sẽ tiếp tục tham gia hiến máu...
"Tôi cho rằng, phong trào hiến máu tình nguyện cần được tuyên truyền, phát động để trở thành một phong trào tình nguyện, nhân đạo, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, kêu gọi được các tầng lớp nhân dân cùng tham gia, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội. Hàng chục năm nay, ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, cho đến khi tốt nghiệp và đi làm, tôi đều nhiệt tình tham gia phong trào hiến máu tình nguyện do nhà trường và ngành Y tế phát động, thậm chí khi cần huy động nguồn máu sống, đột xuất để cứu người, tôi cũng sẽ sẵn sàng. Mỗi lần được tham gia hiến máu là mỗi lần tôi thấy vui, vì sức khỏe của mình còn khá tốt và vui hơn khi nghĩ rằng, những giọt máu hồng của mình đã và đang góp phần cứu sống những người bệnh cần máu. Bản thân tôi sẽ tiếp tục hiến máu tình nguyện và luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, động viên gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tình nguyện tham gia hiến máu…" - bác sĩ Thiện chia sẻ thêm.
Đồng chí Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hàng năm, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức các ngày hội hiến máu tình nguyện, như: "Blouse trắng -Trái Tim Hồng"; "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng"; "Lễ hội Xuân hồng ngành Y tế"…, qua đó nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, học sinh, sinh viên ngành Y tế tham gia hiến máu tình nguyện và trở thành những người đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người. Năm 2018, toàn ngành có hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đăng ký tham gia hiến máu. Trường Cao đẳng y tế đã hiến hơn 200 đơn vị máu, toàn ngành hiến được hơn 400 đơn vị máu, góp phần làm gia tăng và phong phú ngân hàng máu dự trữ quốc gia. Đặc biệt, trong quá trình cấp cứu và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện, nhiều cán bộ ngành Y tế đã trực tiếp hiến máu ngay trong kíp trực, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch, điều trị bệnh hiệu quả. Trong ngành đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, y, bác sĩ có hơn 10 lần tham gia hiến máu và sẵn sàng là ngân hàng máu sống để kịp thời cấp cứu cho những bệnh nhân có nhu cầu về máu. Nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên tham gia hiến máu, hàng năm vượt chỉ tiêu được giao, như: Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền...
Ngoài việc tích cực tuyên truyền tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, công tác tổ chức để đảm bảo các buổi hiến máu diễn ra an toàn, tiết kiệm, hiệu quả luôn được ngành Y tế ưu tiên, chú trọng. Mỗi cán bộ y tế tham gia hiến máu được khám sức khỏe tổng quát, đo cân nặng, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm công thức máu, khai thác tiền sử bệnh tật và sử dụng thuốc trong thời gian gần nhất. Đồng thời được thông báo kết quả xét nghiệm, hướng dẫn, tư vấn bảo vệ sức khỏe; được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện và tặng quà lưu niệm... bảo đảm các quyền lợi của người hiến máu tình nguyện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Đồng chí Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Ninh Bình cho biết: Những năm qua, để khẳng định việc làm ý nghĩa của những người mặc áo Blu trắng, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế Ninh Bình không chỉ thực hiện trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng trong việc cứu chữa người bệnh, mà còn thực hiện nghĩa cử cao đẹp là dành những giọt máu hồng quý giá của mình cho cộng đồng và người bệnh, khẳng định là một trong những cơ quan, đơn vị tiên phong, đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện tại tỉnh Ninh Bình. Nổi bật là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã luôn phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện, thu hút đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động trong bệnh viện tham gia. Cùng với đó bệnh viện cũng thực hiện hiệu quả việc lưu giữ, bảo quản nguồn máu, kịp thời cung cấp cho người bệnh trong quá trình điều trị bị thiếu máu.
Đồng chí Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, hiện nhu cầu truyền máu ngày càng tăng, một số bệnh viện không đủ máu để cấp cứu điều trị cho người bệnh. Theo số liệu thống kê, ước nhu cầu sử dụng máu của người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần khoảng 15-18.000 đơn vị máu/năm, vượt xa so với lượng máu hiện đang được tiếp nhận trên địa bàn tỉnh. Do vậy, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức thành công các chương trình, Ngày hội hiến máu tình nguyện, đảm bảo số máu tiếp nhận đạt yêu cầu về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về máu cho các bệnh viện. Đồng thời, Ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng phong trào hiến máu đến cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; đặc biệt tích cực tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và tác dụng của máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, xem việc hiến máu cứu người là nghĩa cử nhân văn cao đẹp, là trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng, góp phần lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trong mọi tầng lớp nhân dân, để phong trào ngày càng phát triển bền vững, số lượng máu tiếp nhận tăng dần theo từng năm; góp phần giúp hàng nghìn bệnh nhân vượt qua nguy kịch, ổn định sức khỏe và được duy trì sự sống...
Hạnh Chi