Với trên 600 công chức, viên chức và người lao động, hưởng ứng các phong trào thi đua do Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh phát động, Sở Nông nghiệp & PTNT đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở làm tốt công tác đăng ký thi đua, phát động phong trào thi đua ở các đơn vị, trọng tâm là các phong trào: Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào thi đua "Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm"; thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; Thi đua thực hiện tốt Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.…; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Nổi bật là phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, cho giá trị hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nhân dân trong tỉnh và xuất khẩu.
5 năm qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm đạt 2,0%, năm 2014 đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 1,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2010.
Trong đó, phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thực hiện đề án mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao được nông dân hưởng ứng tích cực và đạt được thành công đáng tự hào: từ trên 19 nghìn ha, chiếm 24% diện tích gieo cấy năm 2010 tăng lên gần 34 nghìn ha năm 2014, chiếm 42% diện tích gieo cấy, vượt mục tiêu đề ra, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất và giá trị kinh tế trên một ha đất canh tác.
Cùng với đó là phong trào chuyển đổi đất 2 lúa hiệu quả thấp sang trồng rau màu gắn với tiêu thụ sản phẩm từng bước được mở rộng. Điển hình trong các phong trào này là các huyện: Yên Khánh, Kim Sơn và Yên Mô.
Phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng; từng bước sản xuất thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị hàng hóa được nâng cao.
Tiêu biểu là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú vùng bãi bồi ven biển tại xã Kim Đông (Kim Sơn) cho giá trị sản xuất trên một ha canh tác hàng năm đạt từ 400-500 triệu đồng, góp phần đưa ngành thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa mũi nhọn của tỉnh.
Nhiều mô hình nuôi thâm canh cá nước ngọt phát triển mạnh trong toàn tỉnh, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ và có khả năng phát triển mở rộng như: Cá lóc bông, cá trắm đen, cá chép, cá trắm cỏ, cá rô đầu vuông, cho năng suất đạt 8-36 tấn/ha, đem lại giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó là việc tích cực chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 4 nghìn ha. Hiện toàn tỉnh có trên 3 nghìn ha diện tích lúa-cá đem lại giá trị 200 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 3-5 lần so với trước đây, lợi nhuận thu được 70-80 triệu đồng/ha.
Phong trào thi đua trong chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2014 đạt 1.891 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với năm 2010...
Là tỉnh có phong trào làm thủy lợi nội đồng hiệu quả từ nhiều năm nay, trong những năm gần đây, được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, nhiều dự án về tu bổ đê điều phòng, chống thiên tai, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu nước hợp lý theo yêu cầu thâm canh tăng năng suất cây trồng được xây dựng và sử dụng có hiệu quả, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, phong trào kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình nước sạch phát triển mạnh, đem lại lợi ích kinh tế, phục vụ đời sống nhân dân.
Phong trào trồng cây, trồng rừng được quan tâm, thực hiện tốt. 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng được trên 5 triệu cây phân tán. Việc chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất được nông dân hưởng ứng nhiệt tình, kết quả nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 19,5%, góp phần tăng thu nhập cho hộ trồng rừng, xóa đói, giảm nghèo cho hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các xã miền núi khó khăn.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng KHKT vào sản xuất được ngành Nông nghiệp & PTNT duy trì, củng cố và phát triển.
Nhiều công chức, viên chức say mê, nhiệt tình nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo ra bước đột phá làm cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên sản xuất cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong 5 năm đã có 59 đề tài, dự án, sáng kiến phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có 6 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến của tỉnh công nhận; 16 đề tài, dự án được Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh công nhận và Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng 6 Bằng lao động sáng tạo...
Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai và phát động sâu rộng trong toàn tỉnh, đã nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, qua đó đã xuất hiện những nhân tố mới, những tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, tạo nòng cốt để phổ biến, nhân rộng. Điển hình như phong trào vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của, tài sản, công sức, trí tuệ xây dựng nông thôn mới.
Trong 4 năm qua, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 3.900 tỷ đồng; trong đó đóng góp trực tiếp bằng tiền, đất, công lao động trị giá gần 760 tỷ đồng, còn lại tự xây dựng và phát triển sản xuất; đã hiến gần 420 ha đất để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, thực hiện dồn điền, đổi thửa, góp gần 280 nghìn ngày công lao động, dỡ bỏ, di dời hàng nghìn công trình nhà ở, tường bao, cổng ngõ…
Với sự hỗ trợ 100 nghìn tấn xi măng của Nhà nước, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trên 7 nghìn tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 800 km.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng hưởng ứng tích cực phong trào, đóng góp trên 620 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt 15-18 tiêu chí và có 46 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa…
Phong trào đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã triển khai 343 mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng 82 mô hình tốt, trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất đa canh, mô hình chăn nuôi gà đồi, mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống còn 3,92% năm 2014, giảm 7% so với năm 2010.
Kết quả, sau 4 năm thực hiện trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đã có hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng, trong đó có 4 tập thể và 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 89 tập thể và 181 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; hơn 1.000 tập thể và cá nhân được UBND cấp huyện, cấp xã tặng giấy khen…
Ghi nhận những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua, Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng Cờ thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng Bằng khen…
Nhiều đơn vị trực thuộc và hàng trăm cá nhân trong toàn ngành cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố…
Mỹ Hạnh