Toàn tỉnh đã chuyển đổi 5.000 ha đất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và có 76 cánh đồng với 893 ha cho giá trị thu bình quân từ 80-100 triệu đồng/ha. Theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 12 của UBND tỉnh, phong trào sản xuất vụ đông được đẩy mạnh ở các địa phương và đang trở thành vụ sản xuất chính năm 2006, diện tích cây vụ đông đạt 14.685 ha, giá trị đạt 200 tỷ đồng. Năm 2007, diện tích cây vụ đông đạt 16.220,5 ha, giá trị đạt 259 tỷ đồng...
Trong đó: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3 năm (2005 - 2007) tăng 5,43%/năm, tăng 0,43% so với mục tiêu Đại hội giao (5%). Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2007 đạt 41,5 triệu đồng, tăng 37% so với năm 2004 (năm trước Đại hội, và đạt 118,6% so với mục tiêu Đại hội đề ra (35 triệu đồng/ha). Sản lượng lương thực bình quân 3 năm qua đạt 45,96 vạn tấn, cơ bản đạt được mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010 (46 vạn tấn). Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản trong GDP của tỉnh, năm 2007 đạt 26% (mục tiêu Đại hội đến năm 2010 là 17%). Số hộ nông dân được dùng nước sạch đến năm 2007 là 67,7%, đạt 79,6% so với mục tiêu Đại hội. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đến hết năm 2007 đạt 70%, bằng 77% so với mục tiêu Đại hội.
Thành tựu nổi bật nhất là ở lĩnh vực sản xuất lương thực. Mặc dù diện tích gieo cấy lúa hàng năm giảm do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sự đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng... nhưng nhờ ứng dụng các tiến bộ KHKT về công tác giống, thâm canh tăng năng suất... nên tổng sản lượng lương thực bình quân trong các năm qua đã đạt xấp xỉ mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010. Riêng năm 2007, sản lượng lương thực đạt 47,8 vạn tấn, vượt 1,8 vạn tấn so với mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010. Trong các năm qua, cây trồng khác cũng được chú trọng phát triển. Năm 2007, diện tích ngô đạt 8.384,7 ha, sản lượng đạt 28.494,7 tấn, tăng 61,6% so với năm 2004; diện tích đậu tương 7.142,7 ha, tăng gần 4 lần so với năm 2004 và đạt 72% so với mục tiêu Đại hội; lạc 5.052 ha, đạt 82,7% mục tiêu; dứa 2.653,7 ha, đạt 63,1% mục tiêu; mía 1.380 ha, đạt 69% mục tiêu; cói 482,4 ha, đạt 32% mục tiêu Đại hội...
Nông dân Yên Khánh phấn khởi trước vụ lúa đông xuân thắng lợi.
Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đang từng bước phát triển theo hướng cônng nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm. Cơ cấu nông nghiệp trong GDP của tỉnh đang theo chiều hướng giảm dần. Nếu như năm 2001 nông nghiệp chiếm 48%, năm 2005 là 27,6% thì năm 2007 chiếm 26%.
Trong nông nghiệp cũng đã có sự chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ. Năm 2004: trồng trọt chiếm 70,9%, chăn nuôi 27,6%, dịch vụ 1,5%; năm 2006: Trồng trọt còn 69,3%, chăn nuôi 28,7%, dịch vụ 2%. Giữa các lĩnh vực sản xuất của ngành cũng có sự chuyển dịch. Năm 2001, nông nghiệp chiếm 93,4%, lâm nghiệp 1,3%, thủy sản 1,7%, đến năm 2007, tỷ lệ đó là: Nông nghiệp 86,9%, lâm nghiệp 1,7%, thủy sản 11,4%.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, liên tục trong các năm qua, dịch bệnh phát sinh, phát triển (dịch cúm gia cầm; dịch lợn tai xanh; dịch lở mồm, long móng...) Nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, kịp thời của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành nên các dịch bệnh trên đã được khống chế, chăn nuôi đã và đang phát triển trở lại. Đến hết năm 2007 trên địa bàn tỉnh, đàn lợn có 365.822 con, đạt 81,3% so với mục tiêu của Đại hội đề ra đến năm 2010. Đàn bò có 60.011 con, tăng 48,8% so với năm 2004. Đàn trâu có 16.874 con, đạt 67,4% so với mục tiêu. Đàn gia cầm có 2,9 triệu con, đạt 72,5% so với mục tiêu. Đàn dê có 23.593 con, đạt 78,6% so với mục tiêu. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 31.254 tấn, tăng 17,8% so với năm 2004, đạt 87,3% so với mục tiêu. Xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh đạt 1.250 tấn với giá trị là 3,3 triệu USD.
Lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển khá ổn định, nhất là ở khu vực nuôi thả thủy sản nước ngọt. Diện tích nuôi thủy sản năm 2007 đạt 9.021 ha, tăng 27,7% so với năm 2004; trong đó diện tích nuôi thả vùng nước ngọt đạt 6.910 ha (có 3.861 ha chuyển đổi theo mô hình cá - lúa), nuôi thủy sản nước lợ 2.074 ha. Sản lượng thủy sản năm qua đạt 18.771 tấn, tăng 38,2% so với năm 2004 và đạt 98,4% so với mục tiêu. Trong đó sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 16.080 tấn, tăng 38,2% so với năm 2004; sản lượng tôm sú đạt 1.050 tấn, cua biển đạt 1.280 tấn. Tổng giá trị thủy sản năm 2007 đạt 350 tỷ đồng, tăng 73,4 tỷ đồng so với năm 2004.
Về lâm nghiệp, đã có sự chuyển biến mạnh từ nền lâm nghiệp thuần túy (chủ yếu làm nhiệm vụ phòng hộ) sang nền lâm nghiệp xã hội, tích cực trồng rừng mới và chủ động chuyển đổi gần 600 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn: Số vụ vi phạm lâm luật, cháy rừng giảm nhanh. Trong 3 năm qua, đã trồng mới được 994 ha rừng, đạt 100% kế hoạch; bảo vệ 3.774 ha; chăm sóc 607 ha; khoanh nuôi 10.620 ha; trồng 1.000.000 cây phân tán trong mỗi năm.
Công tác thủy lợi được quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng và giảm nhẹ thiên tai. Đã đầu tư, nâng cấp, xây mới nhiều trạm bơm nước, kênh mương. Kiên cố hóa 590,5 km kênh mương, đạt 70% so với mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2010. Việc tu bổ đê điều được thực hiện tốt, đảm bảo khối lượng, chất lượng và thời gian. Các tuyến đê quan trọng trong PCLB như: Đê biển Bình Minh II; đê tả, hữu sông Hoàng Long; đê Đầm Cút, đê Năm Căn, hồ Yên Quang, âu Cầu Hội... được nâng cấp theo hướng kiên cố hóa...
Ngoài ra nhiều chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn đã triển khai như: Xóa đói, giảm nghèo, di dân, vệ sinh môi trường, lao động việc làm, nước sạch; giao thông nông thôn... Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay toàn tỉnh đã cải tạo, cứng hóa được 1.241/1.416 km đường giao thông nông thôn (đạt 88%); tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 67,7%... đã góp phần vào sự nghiệp đổi mới nông thôn, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, vẫn còn những tồn tại trong nông nghiệp như: Chuyển dịch còn chậm; sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ; chất lượng nông sản và sức cạnh tranh còn thấp, mang nặng tính tự cung, tự cấp, thiếu thị trường tiêu thụ.Đời sống người nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và sự biến động của giá cả thị trường. Khoảng cách chênh lệch giữa giàu và nghèo ngày càng lớn. Hệ thống kênh mương, giao thông nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ xã, HTX, thôn, đội, xóm còn nhiều bất cập. Nông dân vẫn thiếu việc làm, nhất là ở các địa phương có thu hồi đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp...
Đây là những vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa trong thời gian tới nhằm đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đối với nông nghiệp, nông thôn đến năm 2010.
Đinh Chúc