Các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh đã tích cực tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính tốt, tuyên truyền về các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng, mở rộng cho vay.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đang tập trung các giải pháp mở rộng tín dụng, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho các doanh nghiệp, tích cực tìm kiếm cho vay các dự án có hiệu quả.
Kết quả tăng trưởng tín dụng khả quan
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Tình hình thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện đang ở trạng thái tốt và tiếp tục được duy trì. Hoạt động tăng trưởng tín dụng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng dư nợ cho vay của các NH, TCTD đến hết tháng 6 đạt 38.813 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của các NH, TCTD đạt 8.998 tỷ đồng, chiếm 23,2% trên tổng dư nợ cho vay của các NH, TCTD, giảm 23,6% so với đầu năm; dư nợ cho vay chăn nuôi đạt 657 tỷ đồng, chiếm 1,69% trên tổng dư nợ, tăng 59,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 434 tỷ đồng, chiếm 1,12% trên tổng dư nợ, giảm 3,34% so với đầu năm; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 10.244 tỷ đồng, chiếm 26,4% trên tổng dư nợ, tăng 3,28% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 168 tỷ đồng, chiếm 0,43% trên tổng dư nợ, tăng 7% so với đầu năm; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt 3.450 tỷ đồng, chiếm 8,9% trên tổng dư nợ của các chi nhánh NH, TCTD, giảm 15,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 997 tỷ đồng, chiếm 2,57% trên tổng dư nợ của các NH, TCTD, tăng 106,4% so với đầu năm.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh giải ngân kịp thời, dư nợ đạt 1.725,7 tỷ đồng, tăng 72,5 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2014.
Nhìn chung, các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh NH, TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ trên dưới 1%. 6 tháng đầu năm, tổng số nợ được cơ cấu lại của các NH, TCTD là 1.842 tỷ đồng. Tổng số nợ được xử lý rủi ro là 208 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu của các NH, TCTD là 422 tỷ đồng, chiếm 1,09% trên tổng dư nợ.
Mặc dù mặt bằng lãi suất thời gian qua không tăng, tuy nhiên, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng, vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả trong bối cảnh lạm phát thấp, trong khi các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng tối đa là 1%/năm; lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng phổ biến ở mức 5%/năm, thấp nhất là 4%/năm, cao nhất là 6%/năm; lãi suất tiền gửi từ 6 đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 5,4%/năm, thấp nhất là 4,3%/năm, cao nhất là 7,8%/năm; lãi suất tiền gửi trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,2%/năm, thấp nhất là 4,3%/năm, cao nhất là 8%/năm.
Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn, thấp nhất là 5%/năm, cao nhất là 12,8%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn là 10-11%/năm, thấp nhất là 5%/năm, cao nhất là 14,1%/năm.
Các NH, TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và TCTD cấp trên về lãi suất huy động và cho vay. Mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục ổn định, không có sự xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Trong năm 2015, ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt từ 14%-16%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt 13,5%. Do đó, ngành ngân hàng Ninh Bình tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.
Tăng cường các giải pháp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật như: Cơ cấu lại nợ; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn...
Các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình bình ổn thị trường; chương trình tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường; chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; chính sách tín dụng nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg…
Chủ động tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các khách hàng tham gia các chương trình.
Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình cho vay, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, góp phần phục vụ kịp thời cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, vừa hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, TCTD cấp trên về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, kết quả hoạt động của ngân hàng nhằm giúp khách hàng tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi; phối hợp với NHNN tỉnh để giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiền tệ, ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội thì với những tín hiệu khả quan từ hệ thống tín dụng đã cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho toàn hệ thống, mang lại những lạc quan về nền kinh tế trong năm 2015 n
Bảo Yến