Trước những khó khăn của người chăn nuôi do giá lợn giảm mạnh thời gian qua, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới… cùng nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhằm tạo điều kiện cho bà con duy trì chăn nuôi, chuyển đổi sản xuất để có cơ hội phục hồi kinh tế cho gia đình và trả nợ.
Thực tế, để phát triển đàn vật nuôi, xây dựng các trang trại, gia trại, hầu hết người chăn nuôi đều phải vay vốn ngân hàng để đầu tư từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Ông Phan Văn Miền, xóm 4, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô là một ví dụ. Xây dựng chuồng trại nuôi gần 150 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt, ông Miền đã phải vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng.
Ông cho biết: Hiện nay giá lợn xuống thấp nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước kia 1 con lợn nái tốt bán được 10-15 triệu đồng thì nay chỉ được hơn 2 triệu.
Nhưng nếu không bán bớt đàn nái đi thì lợn con sinh ra cũng không có người mua nên vừa qua gia đình đã phải bán đi hơn 70 con nái.
Ông Miền tính toán: 50 con lợn nái còn lại, cộng thêm với số lợn giống chưa xuất bán được ông giữ lại để nuôi thành lợn thịt, chi phí riêng tiền thức ăn một ngày đã ngốn hơn 5 triệu đồng nên gia đình tiếp tục cần một khoản vốn không nhỏ để duy trì chăn nuôi.
Nếu bây giờ không được giảm lãi suất, gia hạn nợ để duy trì đàn lợn, gia đình khó có thể thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng theo đúng kỳ hạn.
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình, tính đến thời điểm 20/4/2017, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 769 tỷ đồng, chiếm 1,27% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ ngắn hạn là trên 505 tỷ đồng, nợ trung hạn khoảng 263 tỷ đồng.
Số khách hàng vay vốn còn dư nợ là 10.447 khách hàng, chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình, chỉ có 11 doanh nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát sinh dư nợ tín dụng cho vay ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.
Ông Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình cho biết: Thực hiện các chính sách của Chính phủ, của ngành, của tỉnh về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã mở rộng và tăng cường nguồn vốn cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực chăn nuôi.
Đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhiều đối tượng khách hàng lựa chọn; niêm yết công khai và từng bước đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người dân dễ tiếp cận vốn vay, qua đó, đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương; hỗ trợ có hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do biến động về thị trường đã làm cho việc phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn, giá lợn bán ra giảm mạnh, cung lớn hơn cầu, các hộ chăn nuôi lợn thịt, lợn giống không tiêu thụ được; nhiều khách hàng vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư vào ngành chăn nuôi lợn đến nay gặp khó khăn trong việc trả lãi tiền vay và trả nợ gốc khi đến hạn.
Căn cứ Văn bản số 3091/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ cho khách hàng vay chăn nuôi lợn.
Cụ thể: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Căn cứ quy định hiện hành và khả năng tài chính của mình, các Chi nhánh Ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác bao gồm cả miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau,… nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Ninh Bình, một trong số các ngân hàng thương mại đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi lớn nhất với hơn 5.500 khách hàng vay nuôi lợn dư nợ 533 tỷ đồng.
Khi giá lợn xuống thấp, Chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm việc với các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp nắm toàn bộ nợ gốc, nợ lãi, đánh giá lại tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khó khăn thời vụ, giá cả thị trường, đầu ra sản phẩm... từ đó có hướng tháo gỡ.
Lãnh đạo đơn vị cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Chi nhánh là tập trung thu nợ gốc trước, thu lãi sau và cơ cấu lại nợ cho những khách hàng thực sự khó khăn.
Đến nay, Chi nhánh đã cơ cấu lại nợ cho vay chăn nuôi hơn 249 tỷ đồng, bảo đảm cho các hộ chăn nuôi vẫn có thể duy trì nuôi lợn hoặc chuyển đổi sản xuất để có cơ hội trả cả gốc lẫn lãi.
Thực tế từ trước đến nay, trong quá trình cho vay, những khoản vay khó khăn trong việc trả nợ do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) đều đã được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng các chính sách hỗ trợ do vậy nhìn chung chất lượng tín dụng đối với cho vay ngành chăn nuôi trên địa bàn Ninh Bình luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Hà Phương