Nhìn lại năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc điều hành và thực thi chính sách tiền tệ đối mặt với các khó khăn thách thức như: giá hàng hóa quan trọng, thiết yếu trên thị trường thế giới biến động làm tăng áp lực lạm phát; xu hướng thắt chặt tiền tệ của các nước tác động, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ ở trong nước...
Do vậy, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả đến hệ thống các TCTD trên địa bàn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và thực thi chính sách tiền tệ năm 2018.
Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành và địa phương đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ Ngân hàng. Các chính sách tiền tệ được lồng ghép vào các chương trình, đề án và kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh: Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh phát triển sản xuất nuôi tôm tỉnh Ninh Bình đến năm 2025....
Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đã tăng cường mở rộng các biện pháp huy động vốn trên địa bàn, như: triển khai chương trình khuyến mại hấp dẫn, sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích ngân hàng, tập trung chăm sóc khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn, khách hàng có nguồn tiền gửi ổn định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, các ngân hàng, TCTD tích cực huy động nguồn vốn ngoài tỉnh, tranh thủ cao nhất nguồn vốn điều hòa, đặc biệt là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của TCTD cấp trên để cho vay phát triển kinh tế địa phương. Hết năm 2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn của các Ngân hàng, TCTD ước đạt 41.360 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Cũng trong năm 2018, các ngân hàng, TCTD có nhiều biện pháp mở rộng tín dụng, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, như: cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án phương án có hiệu quả.
Tích cực tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với các khách hàng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, mở rộng cho vay. Tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng, TCTD ước đạt 78.556 tỷ đồng, tăng 15,1% so với đầu năm
Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng HTX, Ngân hàng CSXH, Quỹ TDND ước đạt 73.683 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, đạt kế hoạch tăng trưởng. Các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã quan tâm, thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh ngân hàng, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Dòng vốn của các Ngân hàng, các TCTD đã chảy vào các chương trình, dự án lớn của tỉnh: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, TCTD ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 39,2% so với đầu năm; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 16.292 tỷ đồng, tăng 11,68% so với đầu năm; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm; dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cuối năm 2017; dư nợ cho vay phát triển du lịch ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2017; dư nợ cho vay Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2.900 tỷ đồng, tăng 404 tỷ đồng tăng 16,2% so với đầu năm; dư nợ cho vay Chương trình cho vay bình ổn thị trường 85 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng, tăng 19,7% so với đầu năm; dư nợ cho vay tín dụng chính sách ước 2.192 tỷ đồng/97.390 hộ, đạt 100% kế hoạch, tăng so với năm 2017 là 163 tỷ đồng....
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2018 và để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 từ 18 - 20%, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp về điều hành trong huy động vốn và đầu tư tín dụng tới các TCTD trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quản lý, thực hiện tốt công tác thu chi tiền mặt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt cả về số lượng, cơ cấu mệnh giá cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền mặt, kho quỹ, tài sản.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc chấp hành các quy định về tiền tệ và hoạt động Ngân hàng của các TCTD trên địa bàn. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 05/CT-NHNN của Thống đốc NHNN góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Giáng Hương