Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Ninh Bình cho biết: Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành ngân hàng Ninh Bình đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và thực thi chính sách tiền tệ năm 2016. NHNN tỉnh đã có văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23-2-2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016. Đồng thời Chi nhánh NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được giao.
Ngay từ đầu năm, các NH, TCTD trên địa bàn đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài địa bàn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản, lắp đặt thêm máy ATM.
Các NH, TCTD đã đưa ra nhiều gói tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút nguồn gửi tiền từ dân cư. Tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của các NH, TCTD trong quý I đạt 29.626 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thời điểm 31-12-2015, đáp ứng 65,3% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động vẫn chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn chiếm 75,6%, nguồn vốn trung và dài hạn chỉ chiếm 24,4%. Điều này cũng gây khó khăn cho các NH, TCTD khi xây dựng kế hoạch dư nợ cho vay.
Cũng trong quý I, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đã được các NH, TCTD thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp của các NH, TCTD ước đạt 8.834 tỷ đồng, chiếm 19,48%/tổng dư nợ.
Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 5.700 tỷ đồng, chiếm 64,52%/dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; dư nợ cho vay chăn nuôi ước đạt 76 tỷ đồng, chiếm 0,17%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 222 tỷ đồng, chiếm 0,49%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 10.040 tỷ đồng, chiếm 22,14%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 30 tỷ đồng, chiếm 0,07%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh ước đạt 3.133 tỷ đồng, chiếm 6,91%/tổng dư nợ của các chi nhánh NH, TCTD; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 600 tỷ đồng, chiếm 1,32%/tổng dư nợ của các NH, TCTD; Chi nhánh NHCSXH tỉnh giải ngân cho 97.918 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, dư nợ đạt 1.821 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm.
Đại diện NHNN tỉnh cho biết: Tình hình thanh khoản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện đang ở trạng thái tốt và tiếp tục được duy trì trong năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của các NH, TCTD trong quý I ước đạt 29.626 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thời điểm 31-12-2015, đáp ứng 65,3% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nguồn vốn ngắn hạn chiếm 75,6%, nguồn vốn trung và dài hạn chiếm 24,4%.
Cùng với tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh thì tâm lý lo sợ rủi ro của các nhóm khách hàng đã giảm rõ rệt. Quý I, toàn ngành đã cơ cấu lại nợ đạt 1.517 tỷ đồng. Tổng nợ được xử lý rủi ro là 464 tỷ đồng. Các NH, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh NH, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%. Tổng nợ xấu của các NH, TCTD là 248 tỷ đồng, chiếm 0,55%/tổng dư nợ.
Có thể nhận thấy, để có được những nhận định lạc quan trên là do trong năm 2015, cơ cấu nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng được cải thiện bền vững và hợp lý hơn. Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường trong quý I năm nay tiếp tục ổn định.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 1 tháng tối đa là 1%/năm; lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng phổ biến ở mức 5,2%/năm; lãi suất tiền gửi trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,2%/năm, thấp nhất là 4,6%/năm, cao nhất là 7,9%/năm.
Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7-9%/năm. Để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp trên đà phục hồi, nhiều ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn dưới nhiều hình thức như cho vay chứng minh năng lực tài chính của Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội Chi nhánh Ninh Bình, cho vay không tài sản đảm bảo đối với đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Ninh Bình và Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội Chi nhánh Ninh Bình.
Với sự tăng trưởng ổn định ở mức cao so với cả nước, năm 2016 ngành Ngân hàng Ninh Bình đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 14-16%; tốc độ tăng trưởng huy động vốn trên địa bàn đạt 16-18%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dưới 2%. Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng Ninh Bình đã triển khai nhiều các giải pháp cụ thể.
Trong đó, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu gia tăng. Chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình bình ổn thị trường, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp các NHTM tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các NHTM, TCTD triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng như: tín dụng phát triển thủy sản theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn, NHNN tỉnh đã yêu cầu thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Việc thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, TCTD cấp trên. Các TCTD cần đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, TCTD cấp trên về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Bài, ảnh: Bảo Yến