Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, 8 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,6% so với đầu năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt việc kiểm soát cơ cấu và chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế tín dụng. Đến hết tháng 8, tổng nợ xấu của các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân là 335 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng dư nợ. Các ngân hàng cũng đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cấp trên về lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Hiện lãi suất tiền gửi VNĐ có kỳ hạn từ 1-6 tháng ở mức 7%-7,5%/năm; mức lãi suất cho vay bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức phổ biến từ 9-13%/năm.
Trước những tín hiệu khả quan về tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh nhận định: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12% trên địa bàn Ninh Bình là không khó. Bởi vì từ đầu năm đến nay, toàn hệ thống ngân hàng trong tỉnh luôn có mức tăng trưởng tín dụng khá cao so với bình quân chung của cả nước. Mức lãi suất huy động cũng đang dần ổn định và có khả năng giảm hơn nữa. Chính vì vậy, trong những tháng cuối năm, khả năng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10% là rất lớn. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan về mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay nhưng các tổ chức tín dụng trong tỉnh vẫn nỗ lực để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn. Trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể để huy động vốn như: đa dạng hóa các hình thức huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng; sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất để khuyến khích người gửi tiền; tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động, cung ứng dịch vụ ngân hàng tiên tiến nhằm tăng cường công tác huy động vốn tại địa bàn; tích cực huy động vốn ngoài địa bàn và tranh thủ cao nhất nguồn vốn điều hòa, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên. Bên cạnh việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng trên thị trường, các ngân hàng cũng đang điều chỉnh cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn cho phù hợp với cơ cấu và kỳ hạn tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng đang thực hiện nhiều giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn tăng trưởng kinh tế hợp lý. Ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, dự án, phương án có hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh và UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng cũng đang xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vốn vay cho khách hàng, ưu tiên thu nợ gốc trước, lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Ngọc ánh cũng cho biết: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng sẽ giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc thực hiện các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất. áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay. Tiết kiệm chi phí, giảm tối đa các chi phí quản lý, quảng cáo, khuyến mại và chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Bên cạnh đó, giám sát việc chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn tín dụng. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế nợ xấu gia tăng. Xử lý nợ xấu thông qua dự phòng rủi ro. Xử lý tài sản đảm bảo và các hình thức xử lý nợ xấu khác theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Bảo Yến