Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong năm 2014 tổng nguồn vốn huy động của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 24.209 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm, vượt kế hoạch đề ra là tăng từ 16-18%; tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong năm 2014 đạt 36.583 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm, đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm là tăng trưởng tín dụng từ 12-14%. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm 25,4%, Ngân hàng TMCP Công thương Ninh Bình chiếm 15,1%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Bình chiếm 16,8%.
Với kết quả lạc quan về xu hướng phục hồi và ổn định kinh tế trong 2014 của tỉnh, đặc biệt là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, GDP tăng trưởng đạt 9,8% và sự khởi sắc trong đầu tư tín dụng, đa số tổ chức tín dụng đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của họ đã cải thiện đáng kể trong năm 2014 và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tích cực hơn trong năm 2015.
Thực tế cho thấy, ngay trong tháng 1-2015, dư nợ tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt trên 36 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức tín dụng nhận định, nhu cầu của khách hàng về sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong năm 2014 và dự kiến tiếp tục phục hồi trong quý I và cả năm 2015.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Tình hình thanh khoản của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn hiện đang ở trạng thái tốt và tiếp tục được duy trì trong năm 2015. Theo kết quả của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tháng 1-2015, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng 65,9% tổng dư nợ cho vay. Trong đó nguồn vốn ngắn hạn chiếm 78,1%, nguồn vốn trung và dài hạn chiếm 21,9%; tiền gửi VNĐ chiếm ưu thế (đạt 96,9%), tiền gửi ngoại tệ chiếm 3,1%.
Cùng với tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh thì tâm lý lo sợ rủi ro của các nhóm khách hàng đã giảm rõ rệt. Đến hết năm 2014, tổng số nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 281 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ và tiếp tục giảm trong tháng 1. Hiện nợ xấu toàn ngành là 254 tỷ đồng, chiếm 0,7%. Hầu hết các ngân hàng có nợ xấu dưới 1%, thấp hơn so với mức chung của Ngân hàng Nhà nước.
Có thể nhận thấy, để có được những nhận định lạc quan trên là do trong năm 2014, cơ cấu nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng được cải thiện bền vững và hợp lý hơn. Mặc dù trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất chính sách (tháng 3 và tháng 10-2014). Đến nay lãi suất cho vay VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 9-10%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường cũng đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013 và được kỳ vọng tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ trong năm 2015. Hiện lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng là 1%/năm; lãi suất tiền gửi 1-6 tháng phổ biến ở mức 5%, lãi suất tiền gửi từ 6-12 tháng phổ biến ở mức 5,5%, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,2%/năm. Tuy nhiên, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả trong bối cảnh lạm phát thấp trong khi các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Có thể nói, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế tỉnh ta, nhưng với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội thì với những tín hiệu khả quan từ hệ thống tín dụng từ đầu năm đã cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho toàn hệ thống, mang lại những lạc quan về nền kinh tế trong năm 2015.
Nguyễn Thơm