Đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi Trao đổi với ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh được biết: Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã bám sát mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, kế hoạch tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) cấp trên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chỉ đạo các TCTD đầu tư tín dụng cho doanh nghiệp kịp thời, có hiệu quả; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần lành mạnh hóa tài chính các ngân hàng, TCTD và doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng, TCTD rà soát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao; tiếp tục triển khai, thực hiện các gói sản phẩm tín dụng dựa trên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các chương trình, chính sách tín dụng...
Đặc biệt trong năm 2016 các chi nhánh NHTM tiếp tục tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án, dự án kinh doanh khả thi tham gia chương trình, định kỳ hàng tháng để ký kết hỗ trợ về vốn. Theo đó, đã có 155 doanh nghiệp, tăng 62 doanh nghiệp so với năm 2015 được ký kết hỗ trợ vay vốn với số tiền cam kết 2.595 tỷ đồng, tăng 380 tỷ đồng; với dư nợ 2.030 tỷ đồng, tăng 506 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Ninh Bình đã yêu cầu các chi nhánh NHTM chủ động tiếp cận các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các doanh nghiệp ngoài chương trình nhưng có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn kết với doanh nghiệp bình ổn thị trường, tập trung cho vay đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ tiêu dùng thiết yếu để cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi, áp dụng lãi suất và chính sách cho vay phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình, đảm bảo hiệu quả thiết thực; gắn chương trình bình ổn giá trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt kết quả cao nhất.
Trong năm 2016, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cho 4 khách hàng doanh nghiệp với số tiền cam kết hỗ trợ là 65 tỷ đồng (tăng 30,35 tỷ đồng), dư nợ 55 tỷ đồng (tăng 26,93 tỷ đồng), lãi suất cho vay 7%/năm.
Chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của NHNN đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các chính sách tín dụng ưu đãi khác theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý để duy trì hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2016, dư nợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 25.053 tỷ đồng, dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh đạt 2.930 tỷ đồng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn
Ông Nguyễn Minh Khôi cũng cho biết: Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình tín dụng ưu đãi thì NHNN tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, TCTD tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng, TCTD thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, cho vay thí điểm theo mô hình liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà trong xây dựng; chủ động tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp để nhận dạng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó xem xét, thẩm định và cho vay vốn hoặc điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng,... nhằm đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Trong năm 2016, tổng nợ được cơ cấu lại của các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn là 1.108 tỷ đồng, giảm 42,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng nợ được xử lý rủi ro là 499 tỷ đồng. Các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu, hầu hết các chi nhánh Ngân hàng, TCTD có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên dưới 1%.
Hiện trên địa bàn tỉnh có một số NHTM, TCTD trên địa bàn có tỷ lệ nợ xấu cao như Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT tỉnh Ninh Bình, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội Ninh Bình, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Ninh Bình.
Nguyên nhân do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đầu ra kéo theo một số công ty chuyên hoạt động kinh doanh phục vụ cho hoạt động của Nhà máy Đạm bị ảnh hưởng dẫn đến chuyển nhóm nợ. Chi nhánh Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu đã được NHNN mua lại với giá không đồng, hiện nay đang tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Các chi nhánh NHTM, TCTD cũng từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, từng bước hiện đại hóa và phát triển dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng, TCTD. Đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, nhất là công tác huy động vốn và cho vay.
Bên cạnh đó, NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM, TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN Việt Nam, TCTD cấp trên về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý; tiết kiệm chi phí trong hoạt động của các ngân hàng, TCTD để giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động của TCTD.
Trong năm 2016, tổng dư nợ cho vay của các NHTM, Ngân hàng HTX, NHCSXH, Quỹ TDND đạt 52.672 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Trong đó mức lãi suất cho vay dưới 7% chiếm 12,2%; lãi suất từ 7 đến 9% chiếm 31,3%; lãi suất từ 9-11% chiếm 45,3%; lãi suất trên 11% chiếm 11,2%.
Hiệu quả tích cực từ các chương trình tín dụng ưu đãi cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của ngành Ngân hàng đã mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nguyễn Thơm