Năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2012) với nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc đời sống người có công theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2014 và năm 2015 thực hiện Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nắm bắt cơ hội, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo việc tiếp thu và chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả.
Việc quan tâm đầu tiên là ngành đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin để tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công tới các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đối tượng chính sách để thực hiện và giám sát việc thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng xã hội và tôn vinh người có công với đất nước.
Ngành đã tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ nhiều năm trước về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công, đặc biệt là những tồn tại đối với 531 cựu thanh niên xung phong theo Bản án số 88 và số hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ của các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn... Nhiều trường hợp phải lội ngược lại thời gian, đi tìm các chứng cứ để xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách rất công phu và vất vả. Đồng thời, ngành đã tập trung cao độ để giải quyết chính sách cho các đối tượng mới được bổ sung với số lượng rất lớn, đã giải quyết cho trên 35.000 lượt đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Đề nghị Chủ tịch nước phong tặng 759 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (gồm phong tặng 94 mẹ và truy tặng 665 mẹ), nâng tổng số 1.104 Bà mẹ của tỉnh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 28 liệt sỹ, cấp lại 5.850 Bằng Tổ quốc ghi công bị mất hoặc rách, hỏng. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách cho trên 18.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 142/QĐ-TTg và trên 9.000 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia và giúp nước bạn Lào sau ngày 30-4-1975 theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách cho trên 600 Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận 237 cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Triển khai thực hiện giải quyết chính sách cho những người đi làm chuyên gia giúp các nước bạn Lào và Cam-pu-chia từ sau ngày 30-4-1975 theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg ngày 14-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, ngành đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng, đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 35.000 người hưởng chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế do ngân sách Trung ương đài thọ và trên 15.000 đối tượng hưởng ưu đãi BHYT do ngân sách địa phương đài thọ; trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Với tổng kinh phí chi trả hàng năm từ 550-580 tỷ đồng, đảm bảo an toàn không để xảy ra thất thoát, mất cắp, mất trộm. Thực hiện điều chỉnh kịp thời, chính xác mức trợ cấp cho đối tượng theo quy định tại các nghị định của Chính phủ cho từng giai đoạn. Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 34.200 lượt người có công (mỗi năm từ 7.000 - 11.000 người), trong đó hàng năm tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi điều dưỡng tập trung ở các trung tâm tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đảm bảo an toàn.
Chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công. Đặc biệt là đã tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2012) với nhiều hoạt động thiết thực, có tính giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, trong đó đã tổ chức đưa Đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh đi thăm Thủ đô Hà Nội và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, thăm hỏi, động viên; Tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết với trên 275.900 lượt suất quà, trị giá 56,89 tỷ đồng; vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt 3.992 triệu đồng; đã xây mới và sửa chữa 494 nhà tình nghĩa, trị giá 10.696 triệu đồng. Đặc biệt là thực hiện Đề án số 02/ĐA-TTHĐ và Đề án 06/ĐA-TTHĐ của Thường trực HĐND tỉnh về hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách có khó khăn về nhà ở, toàn tỉnh đã xây mới 5.007 ngôi nhà; Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Ngành đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh có Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 21-1-2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với trên 2.247 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở, kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng (gồm xây mới 1.173 nhà, sửa chữa 1.074 nhà); vận động tặng 287 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá 168 triệu đồng, vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến hết đời 100% các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh; vận động các bệnh viện Trung ương và địa phương nhiều lần tổ chức khám, chữa bệnh và cung cấp thuốc miễn phí cho người có công, trị giá hàng tỷ đồng. Đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 35.810/36.373 hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, đạt 98,5%. Đến năm 2013 đã có 145/145 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Ngoài ra, Ngành còn thực hiện quản lý tốt công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tưởng niệm liệt sỹ. Trên địa bàn tỉnh có 45 nghĩa trang liệt sỹ (8 nghĩa trang cấp huyện và 37 nghĩa trang cấp xã) với 7.321 mộ liệt sỹ, 1 Đền thờ liệt sỹ (của tỉnh), 12 Đài tưởng niệm liệt sỹ (1 đài cấp tỉnh, 1 đài cấp huyện, 10 đài cấp xã) và 63 Nhà bia ghi tên liệt sỹ (đều của cấp xã). Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Nhà bia ghi tên các liệt sỹ là người quê hương Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Khu Lăng bia tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Hàng năm, Ngành đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, thường xuyên dọn vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường các nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sỹ khang trang, sạch đẹp, thực sự là các công trình văn hóa của tỉnh và các địa phương, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ và có tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. Đặc biệt, trong 3 năm (2013-2015) Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí đầu tư và thực hiện Dự án sửa chữa, nâng cấp Đền thờ liệt sỹ và Đài tưởng niệm liệt sỹ của tỉnh, đầu tư xây dựng Khu Lăng bia tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), đến nay các công trình này đều được đánh giá là những công trình văn hóa tâm linh khang trang, hoành tráng trong cả nước. Vào dịp các ngày lễ, Tết và ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7) hàng năm, Ngành đã tham mưu tổ chức các đoàn đại biểu đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ và đài, bia tưởng niệm liệt sỹ, đặc biệt là vào tối ngày 26-7 hàng năm đều chỉ đạo Đoàn thanh niên đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân ở tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.
Năm 2014 và năm 2015, Ngành đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh tới tận các khu dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng theo quy định. Qua rà soát của 1.672 tổ rà soát ở khu dân cư thuộc 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, có 36.267 lượt người hưởng chế độ ưu đãi thuộc 7 đối tượng rà soát, thì chỉ có 25 người hưởng sai chế độ, bằng 0,06%. Thông qua kết quả rà soát, Ngành đã tham mưu và chỉ đạo các địa phương kịp thời kiểm tra, giải quyết và xử lý dứt điểm các trường hợp đã được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa đầy đủ, các trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách và các trường hợp chưa được xác nhận là người có công.
Do thực hiện tốt công tác người có công, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã giảm thiểu số đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là không xảy ra các vụ việc phức tạp về lĩnh vực người có công.
Kết quả công tác người có công trên địa bàn tỉnh đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là rất đáng tự hào, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của đối tượng chính sách và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phạm Quốc Doanh
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội