Năm 2015 đã kết thúc với nhiều kết quả nổi bật của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Các lĩnh vực quan trọng như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động… đều vượt kế hoạch từ 1,3-20%. Bên cạnh đó, ở các lĩnh vực khác như: lao động, tiền lương; an toàn vệ sinh lao động, quan hệ lao động không ngừng được cải thiện; công tác chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống tinh thần, vật chất của người có công, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được nâng lên… góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nét nổi bật trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua đó chính là những thành tựu mới trong công tác giảm nghèo. Theo đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo để họ tự vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Công tác giảm nghèo đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là thu hút được sự hưởng ứng, chia sẻ tích cực của cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo đó chính là đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, trong đó có lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo. Trong năm 2015, tỉnh ta đã thực hiện tốt chương trình, giải pháp tạo việc làm và chính sách phát triển thị trường lao động. Hoàn thành công tác thu thập thông tin cơ sở dữ liệu cung- cầu tại 1.999 doanh nghiệp với trên 71.000 hộ dân. Qua đó, đã tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt kịp thời thị trường lao động, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề sát thực, phù hợp với thị trường cung- cầu lao động. Trong năm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 12 phiên giao dịch việc làm với gần 4.000 người tham gia đăng ký phỏng vấn, số người tìm được việc làm qua sàn là trên 1.300 người, tư vấn, giới thiệu việc làm cho 3.500 người. Từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, đã cho vay vốn 875 dự án với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.770 lao động. Kiểm tra 20 cơ sở có dự án vay vốn giải quyết việc làm cho thấy các cơ sở đã sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao… Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.680 người, vượt 11% kế hoạch. Các địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động là thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Yên Mô… Tỷ lệ hộ nghèo giảm đều, bền vững qua các năm. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn trên 11 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐTTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các huyện, thành phố tập trung nguồn lực cho tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo chính xác, hiệu quả. Kết quả rà soát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 8,01%. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh ta tiếp tục hoạch định các chính sách, giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, các hoạt động chi trả, trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được đẩy mạnh. Trong năm, Ngành đã chi trả trợ cấp kịp thời cho trên 40 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên; tặng trên 60 nghìn suất quà và 400 tấn gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi nhân dịp Lễ, Tết với số tiền gần 50 tỷ đồng. Ngành cũng phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh cấp trên 130 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện trợ cấp hàng tháng cho trên 20.000 người cao tuổi… Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm, ngành đã hỗ trợ kinh phí phẫu thuật an toàn cho 69 trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có khó khăn về kinh tế, trong đó hỗ trợ phẫu thuật cho 16 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh (mỗi ca hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng), phẫu thuật cho 54 trẻ em khuyết tật vận động; tặng trên 600 suất học bổng trị giá 650 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác chăm lo đời sống cho người có công cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung tham mưu, xem xét xử lý dứt điểm 25 trường hợp hưởng sai chính sách ưu đãi, giải quyết cơ bản đối với các đối tượng hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi; hoàn thành và tổ chức tổng kết đúng thời hạn chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá là tỉnh làm tốt và triển khai tổng rà soát sớm nhất toàn quốc. Các ngành chức năng đã xác nhận và giải quyết chế độ, chính sách cho 11.500 lượt đối tượng, thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 50.000 đối tượng hưởng ưu đãi Bảo hiểm y tế…, tổng số người đã được giải quyết hưởng trợ cấp là gần 15.000 người; 90 Mẹ Việt Nam Anh hùng được Chủ tịch nước quyết định truy tặng, nâng tổng số Mẹ Việt Nam Anh hùng của toàn tỉnh lên 1.166 mẹ. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân của họ nhân dịp lễ, Tết, ngày thương binh, liệt sỹ; vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt gần 1 tỷ đồng; xây mới và hỗ trợ xây mới, sửa chữa 263 nhà tình nghĩa, nhà ở cho người có công; tỷ lệ gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên đạt 98,3%; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường làm tốt công tác người có công.
Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 đang đến gần. Những ngày này, việc chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức xã hội triển khai với nhiều hoạt động thiết thực với mong muốn mọi người, mọi nhà sẽ đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, an vui. Những món quà ý nghĩa, những thăm hỏi ân cần nhằm chia sẻ khó khăn từ khắp nơi sẽ góp phần làm ấm lòng người nghèo khi Tết đến, Xuân về.
Bài, ảnh: Đào Hằng