Trong những năm gần đây, suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, ngành Công thương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý, phương thức kinh doanh tiên tiến, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Minh chứng cụ thể là năm 2014, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 26.800 tỷ đồng, tăng 24,3% so với thực hiện năm 2013. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 24,29% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 10.971 tỷ đồng, tăng 44,3%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá là: sản phẩm may mặc, phân đạm, linh kiện điện tử, sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp...
Có được kết quả trên là do những năm qua, tỉnh đã quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại… khuyến khích phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 82 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký là 41.921 tỷ đồng. Năm 2014, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt doanh thu gần 9.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 390 triệu USD, nộp ngân sách 677 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tiếp tục được duy trì ổng định và từng bước phát triển.
Hiện toàn tỉnh có 7 cụm công nghiệp, thu hút 171 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 3.835 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 5.500 lao động. Hoạt động xuất khẩu hàng năm có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 750 triệu USD, tăng 24,4% so với năm trước. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, đến nay hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục trên thế giới.
Ngành Công thương cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Năm 2014, ngành đã triển khai thực hiện 42 đề án khuyến công, 25 đề án xúc tiến thương mại, 6 đề án phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tham gia hội chợ trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Hoạt động thương mại trên địa bàn có bước chuyển biến tích cực, hệ thống siêu thị, hệ thống chợ từng bước phát huy tác dụng, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Công thương có nhiều đổi mới. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch; tham mưu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…
Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành Công thương Ninh Bình đã được Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, Bằng khen.
Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới ngành Công thương Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại; quy hoạch phát triển nghề, làng nghề; quy hoạch phát triển điện lực các huyện, thành phố, thị xã, quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh rượu, gas… Tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sách kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ lực: xi măng, thép, phân urê, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử...
Triển khai thực hiện có hiệu quả 25 đề án khuyến công, 20 đề án xúc tiến thương mại và 6 đề án phát triển thương mại điện tử để tập trung hỗ trợ các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Tham mưu ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sác Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý điện năng, kỹ thuật an toàn và môi trường. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng, phát triển thị trường mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Phát triển các ngành nghề truyền thống tỉnh có lợi thế, tập trung vào việc bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, đồ gỗ mỹ nghệ...; đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề; quy hoạch trung tâm giới thiệu và bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch....
Cùng với đó, Sở sẽ đẩy mạnh công tác đánh giá, dự báo thị trường; tổ chức tập huấn phổ biến nội dung cam kết quốc tế, làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng để các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các thủ tục hành chính Bộ Công thương vừa ban hành, kết hợp với cải tiến quy trình làm việc nhằm rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa", tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính công mức độ 3 với 11 thủ tục hành chính điện tử thông qua mạng Internet, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí đi lại. Từng bước sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.
Phạm Thị Hồng (TUV, Giám đốc Sở Công thương)