Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Công thương Ninh Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước và quê hương Ninh Bình.
Ngay từ khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Công thương Ninh Bình từng bước sắp xếp lại hệ thống tổ chức, hoạt động phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được sắp xếp lại, từng bước thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh và bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, toàn ngành Công thương đã nỗ lực phấn đấu, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Minh chứng cụ thể là 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn duy trì ở mức tăng bình quân trên 28%/năm. Năm 2010 tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 8.860 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2005, kế hoạch năm 2011 phấn đấu đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành trong bối cảnh kiềm chế lạm phát hiện nay. Đạt được kết quả trên là do tỉnh đã quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại… khuyến khích phát triển sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp; đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp với tổng số vốn đầu tư đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, thu hút trên 15 nghìn lao động vào làm việc. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn lực, tập trung phát triển những sản phẩm ưu thế cạnh tranh được thực hiện có hiệu quả, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xi măng, thép cán là những sản phẩm chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn, đây là yếu tố cơ bản tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, làm thay đổi quy mô sản xuất và cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
Công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Công thương có nhiều đổi mới. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch; ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh, thu hút lao động tạo việc làm, thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Với những thành tích đã đạt được, những năm qua, ngành Công thương của tỉnh đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được Trung ương và tỉnh khen thưởng.
Để phát huy thành tích đã đạt được, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thời gian tới ngành Công thương Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch của ngành như: Hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển điện lực và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện quản lý, khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sản phẩm mới có giá trị cao thuộc các lĩnh vực điện tử, điện lạnh, ôtô, cơ khí, bia, chế biến hàng hóa nông sản... nhằm duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Tiếp tục tham mưu để tỉnh ban hành chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển các làng nghề, sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển xuất khẩu và tạo ra các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch mang bản sắc Ninh Bình.
Bên cạnh đó triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành trong tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án phát triển xuất khẩu của tỉnh nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, thu hút các dự án sản xuất hàng hóa nhằm thay thế hàng nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước và chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại ở cả 3 cấp độ: doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân và các cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh.
Tổ chức phát triển, mở rộng thị trường nội địa trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thương mại, các quy hoạch chuyên ngành (chợ, siêu thị, xăng dầu...) tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa theo hướng văn minh hiện đại.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Công thương. Trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn pháp luật công nghiệp - thương mại cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là việc phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện các luật mới ban hành: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chống bán phá giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của ngành; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường nhằm ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, găm hàng chờ tăng giá, đưa tin thất thiệt gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo thị trường lành mạnh phục vụ tốt nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Phạm Thị Hồng, TUV, Giám đốc Sở Công thương