Tiêu chí liên quan đến điện (tiêu chí 4) đòi hỏi hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành và trên địa bàn có ít nhất 99% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Do đó, thời gian qua, ngành Công Thương cùng Công ty Điện lực Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, cải tạo mạng lưới điện nông thôn… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có đủ điện phát triển sản xuất và sinh hoạt, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Kết quả đến nay, lưới điện quốc gia đã phủ kín 100% số xã trên địa bàn. Công ty Điện lực Ninh Bình đã đầu tư xây dựng hàng trăm trạm biến áp, thay mới hàng nghìn công tơ đúng tiêu chuẩn, đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn tại 43 xã thuộc 8 huyện, thành phố, thị xã…, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, quản lý vận hành bán điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế- xã hội. Ngành điện đã trực tiếp bán điện cho trên 90% sô hộ dân nông thôn, 6 tổ chức bán lẻ điện nông thôn đang triển khai công tác bàn giao lưới điện cho ngành điện, hiện còn 12 tổ chức bán lẻ điện nông thôn đang bán trực tiếp cho các hộ dân nông thôn.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và phối hợp cùng UBND huyện, các xã nằm trong Dự án "Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn - giai đoạn 2 - vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức " tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Ninh Bình trong quá trình triển khai thực hiện dự án, để việc xây dựng lưới điện phù hợp và đồng bộ với quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn đã được lập, phê duyệt trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã như: Khu vực sản xuất - kinh doanh, các trạm bơm tưới tiêu, khu dân cư tập trung, đường giao thông... để từ đó có sự thống nhất giữa UBND xã với Công ty Điện lực về vị trí xây dựng trạm biến áp, vị trí chôn cột điện…
Đáng ghi nhận là ngành Công thương Ninh Bình đã chủ động xây dựng quy hoạch phát triển điện lực các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, trong đó nêu rõ hiện trạng nguồn, lưới điện và tình hình cung cấp điện cũng như đặc điểm chung, phương hướng phát triển KT-XH, trên cơ sở đó dự báo nhu cầu điện và phân vùng phụ tải, thiết kế sơ đồ cải tạo lưới điện và phát triển lưới điện mỗi địa phương; đảm bảo phát triển cân đối, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2020 của các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành điện đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn giúp cho các xã sớm hoàn thành tiêu chí 4 về điện, có đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Sở Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện khảo sát hiện trạng lưới điện tại 43 xã, phân loại lưới điện tại 119 xã cho thấy, đến hết năm 2013 có 43/119 xã đạt tiêu chí 4 về điện; trong số 31 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới, có 20 xã đạt tiêu chí 4 về điện. Căn cứ vào kết quả khảo sát, Sở Công thương đã đề nghị ngành điện có kế hoạch đầu tư lưới điện để đến hết năm 2015 lưới điện tại 66 xã còn lại đạt và cơ bản đạt tiêu chí 4.
Theo Thông tư số 41/2013/TT- BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2013 và thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì Chợ đạt chuẩn khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu: Yêu cầu về công trình kỹ thuật: Có đủ các công trình của chợ nông thôn do xã quản lý (chợ hạng 3). Yêu cầu về điều hành quản lý chợ: Có tổ chức quản lý; có Nội quy chợ do UBND xã quy định và niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm; có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa; các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với tiêu chí này, Sở Công thương đã tiến hành rà soát tổng hợp số lượng chợ trên địa bàn. Trong tổng số 119 xã, có 77 xã có chợ, chủ yếu là chợ loại 3. Phân loại chợ đạt tiêu chí 7 đến nay có 20 chợ đạt tiêu chí 7; 57 xã có chợ nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, vì vậy chưa chưa đạt tiêu chí 7; 42 xã chưa có chợ. Có 6/31 xã điểm đạt tiêu chí 7; 17/31 xã điểm có chợ nhưng chưa đạt tiêu chí 7; 8 xã điểm chưa có chợ.
Trong quá trình rà soát cũng cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã theo đúng quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với tình hình thực tế tại nhiều địa phương, nhiều chợ được xây mới, nâng cấp khang trang. Một số chợ sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn mở rộng giao thương hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân tại địa phương.
Tuy nhiên, do các chợ phần lớn là các chợ hạng 3, chợ dân sinh truyền thống hình thành từ lâu đời, hoạt động theo tập quán, thói quen của dân địa phương; cũng có địa phương chưa xây dựng chợ mặc dù quy hoạch đã được phê duyệt nên hiện nay vẫn tồn tại các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán tự phát gây mất mỹ quan đô thị, vi phạm quy định về vệ sinh môi trường và an toàn giao thông. Lại có một số địa bàn có chợ nhưng hoạt động không hiệu quả do không thuận tiện về giao thông hoặc do trên cùng một địa bàn có nhiều chợ.
Đối chiếu với Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì để đạt tiêu chí này, tỉnh ta nói chung, ngành Công thương của tỉnh nói riêng còn rất nhiều việc phải làm. Kết quả nêu trên chỉ là bước đầu, nên trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương trong việc đầu tư nâng cấp chợ nông thôn có thiết kế chợ phù hợp với nhu cầu họp chợ của từng địa phương, tích cực triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, lựa chọn mô hình quản lý chợ phù hợp để từng bước đưa hoạt động của chợ theo quy định của nhà nước, các chợ tại địa bàn nông thôn sớm đạt tiêu chí 7, đáp ứng nhu cầu trao đổi mua-bán của nhân dân, góp phần phát triển thương mại nông thôn.
Bảo Yến