Lượng tiêu thụ một số mặt hàng thiết yếu dự kiến là: Rượu, bia các loại khoảng 2.800 chai; bánh mứt kẹo các loại khoảng 385 tấn; hạt dưa và hạt bí các loại khoảng 28 tấn; đường kính khoảng 100 tấn; dầu ăn khoảng 120 tấn, mỳ chính, bột ngọt khoảng 30 tấn; chè các loại khoảng 20 tấn; gạo nếp khoảng 570 tấn, gạo tẻ khoảng 1.750 tấn, đậu xanh khoảng 90 tấn, thịt lợn khoảng 570 tấn, thịt bò khoảng 300 tấn…
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những tháng cuối năm 2012, nhìn chung giá cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh vẫn giữ tương đối ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán, một số mặt hàng trên thị trường theo quy luật bắt đầu có xu hướng tăng giá, nhất là mặt hàng thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong những ngày Tết Nguyên đán. Dự kiến năm nay một số hàng hóa phục vụ Tết có thể phải nhập với giá cao hơn những tháng trước. Đây cũng là thời điểm những hành vi gian lận thương mại, đầu cơ trục lợi… có xu hướng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Do đó, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch và yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo người tiêu dùng cân nhắc mua sắm vào thời điểm phù hợp để mua hàng với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo; không tập trung mua sắm vào những ngày giáp Tết để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Khuyến khích các siêu thị quan tâm chuẩn bị hàng thực phẩm chế biến bổ sung lượng hàng hóa bù vào nguồn thiếu hụt thực phẩm tươi sống tiêu thụ những ngày Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Sở giao nhiệm vụ cho các đơn vị phối hợp tổ chức theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; nắm chắc tình hình dự trữ hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện bình ổn thị trường kết hợp với triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Yêu cầu các doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên địa bàn, các Ban quản lý chợ kiểm soát việc niêm yết giá bán theo giá niêm yết, tăng cường các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, kiểm tra các hoạt động khuyến mại phục vụ Tết Nguyên đán.
Các doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến, nhất là vào những ngày giáp Tết. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị có phương án dự trữ đủ nguồn hàng phục vụ Tết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thành phố, thị xã, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, nhất là địa bàn nông thôn trong tỉnh; chuẩn bị đủ lượng hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các vùng lân cận, bù vào lượng thực phẩm có thể thiếu hụt do trong năm giá lợn hơi và gia cầm thấp hơn cùng kỳ năm trước nên các hộ chăn nuôi lỗ không duy trì đàn và tái đàn.
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất mứt, bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm chế biến… đã và đang chuẩn bị đủ lực lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, siêu thị và một số cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất, phân phối lớn chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán.
Bảo Yến