Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh (gọi tắt là Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh) hiện có 12 chi nhánh và 28 phòng giao dịch trực thuộc trải rộng trên địa bàn với tổng số cán bộ, nhân viên là trên 500 người. Trong quá trình hoạt động, Đảng ủy, Ban giám đốc Ngân hàng luôn quan tâm đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó tạo sự thống nhất, đoàn kết trong cán bộ và nhân viên, góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để cán bộ, nhân viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, từ đó xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của Ngân hàng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các nội quy, quy chế liên quan đến dân chủ ở cơ sở như: Nội quy lao động; quy chế công khai về tài chính và quản lý tài sản; quy chế tuyển dụng, đào tạo, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét đánh giá cán bộ; thỏa ước lao động tập thể; quy chế về kỷ luật lao động; quy chế tiếp dân và giải quyết đơn thư… Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn có sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận chuyên môn và tổ chức đoàn thể cùng cấp, do vậy, đã tăng cường được ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên và người lao động trong đơn vị, phát huy vai trò của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị. Để việc thực hiện quy chế dân chủ đi vào chiều sâu, Ngân hàng đã công khai, minh bạch hóa trong mọi lĩnh vực hoạt động. Hàng năm, kế hoạch sản xuất, kinh doanh được thông báo theo tháng, quý, năm để các chi nhánh căn cứ vào đó giao chỉ tiêu cho từng cán bộ, đồng thời phát huy quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên trong việc tham gia ý kiến và quyết định các nội dung như: phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh hàng năm, đánh giá tình hình hoạt động và các biện pháp phát triển kinh doanh tăng khả năng cạnh tranh… Cùng với đó, người lao động được kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, giải pháp hoạt động kinh doanh cũng như việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người lao động… Ngoài ra, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, chống các biểu hiện lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, tạo sự gắn bó trong tập thể và niềm tin giữa người quản lý và người lao động. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đã giúp cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi nhiệm vụ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, vì sự phát triển của doanh nghiệp và của Ngân hàng.
Thông qua việc thực hiện QCDC ở Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã phát huy được quyền dân chủ của cán bộ, nhân viên, người lao động, tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong đơn vị, là động lực mạnh mẽ để đơn vị phát triển, đảm bảo quyền lợi người lao động và tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ tính trong 2 năm 2015-2016, Ngân hàng Nông nghiệp đã tài trợ quỹ tình nghĩa, đại đoàn kết, hỗ trợ cho giáo dục cho các huyện trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 37,5 tỷ đồng. 5 năm qua (2010-2015), Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình liên tục đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, được BCH Đảng bộ tỉnh tặng Bằng khen.
Thùy Phương