Thời gian qua, Chi nhánh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cơ cấu nguồn vốn, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ với tỷ trọng đáng kể, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Theo ông Nguyễn Đức Chiêu, Phó giám đốc Chi nhánh NHNN&PTNT huyện Yên Khánh, hiện nay ngân hàng có 4 phòng giao dịch trực thuộc với mạng lưới kinh doanh trải rộng, đội ngũ cán bộ tín dụng có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, được bố trí phù hợp và phân công bám sát từng địa bàn dân cư... đã giúp cho Chi nhánh phát huy được thế mạnh của một ngân hàng thương mại Nhà nước, chiếm lĩnh phần lớn thị phần tín dụng trên địa bàn.
Hoạt động tín dụng của Chi nhánh không chỉ đầu tư cho nông dân vay vốn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, mà còn hỗ trợ họ cải thiện đời sống qua các hình thức cho vay khác như chương trình cho vay xuất khẩu lao động, cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đã đạt 353 tỷ 108 triệu đồng, với 8.573 khách hàng, trong đó, dư nợ thuộc diện hỗ trợ lãi suất là 195,26 tỷ đồng. Trong cơ cấu đầu tư tín dụng của chi nhánh, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 68-70% tổng dư nợ, cho vay hộ chiếm trên 50%.
Từ nguồn vốn vay của NHNN huyện, nhiều mô hình kinh tế ở khu vực nông thôn đã phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, như cho vay phát triển nghề truyền thống làm bún bánh, làm đại lý thu mua nông sản, phát triển kinh tế trang trại, cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…
Anh Nguyễn Văn Khoa, chủ cửa hàng thu mua nông sản Khoa Khiêm, phố 1 thị trấn Yên Ninh cho biết, nhà anh làm đại lý thu mua nông sản từ nhiều năm nay, vào thời điểm chính vụ mỗi tháng bình quân của hàng thu mua từ 150-200 tấn lạc. Vì vậy có nhu cầu vốn rất lớn, từ nhiều năm nay, gia đình anh là khách hàng "truyền thống" của NHNN&PTNT Yên Khánh, mỗi năm dư nợ bình quân luôn đạt trên 1 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn này anh có điều kiện tiêu thu nông sản đúng thời vụ cho người nông dân, đầu tư mua sắm thiết bị phân loại, sơ chế nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời tạo việc làm cho từ 12- 15 người lao động với mức thu nhập ổn định trên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Chuẩn bị cho vụ thu hoạch năm nay, anh đã được ngân hàng cho vay 800 triệu đồng trong diện hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 của Thủ tướng chính phủ, từ đó cửa hàng đã thu mua được hơn 100 tấn lạc, đáp ứng tốt đơn đặt hàng của đối tác.
Để nâng cao hiệu quả đồng vốn, trong thời gian tới Chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện phát triển tín dụng toàn diện, chú trọng lựa chọn khách hàng và các dự án đầu tư có hiệu quả, vừa tăng số hộ vay vốn, vừa tăng mức vay trên mỗi hộ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng sẽ cơ cấu lại nguồn vốn hợp lý, theo hướng tăng đầu tư tín dụng vào khu vực nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân có vốn đầu tư theo chiều sâu vào các ngành nghề phù hợp với năng lực sản xuất hộ gia đình.
Bài, ảnh: Ngọc Tân