Ông Phạm Đình Hòe, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cho biết: Năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Phòng giao dịch đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Trong đó, Phòng giao dịch đã làm tốt công tác huy động vốn, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền về việc tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Toàn huyện đã có 379/379 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiết kiệm, số hộ trong tổ gửi đạt trên 99% tổng số thành viên.
Đến hết năm 2016, Yên Mô đã hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với việc tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn tỉnh, Ngân hàng CSXH Yên Mô đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện dành một phần vốn từ ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hoạt động đầu tư tín dụng được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Tổng dư nợ toàn huyện đạt trên 310 tỷ đồng, giải quyết cho trên 14.000 hộ vay vốn. Trong đó dư nợ tập trung vào các chương trình: Cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh, cho vay hộ mới thoát nghèo.
Trong hoạt động cho vay, Phòng giao dịch Yên Mô thực hiện thông qua hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị-xã hội. Các cấp hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng ủy thác ký với Ngân hàng CSXH huyện trong việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn...
Phối hợp tổ chức phổ biến, tập huấn các văn bản nghiệp vụ mới cho cán bộ Ban xóa đói, giảm nghèo, cán bộ hội, đoàn thể các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Dư nợ ủy thác chiếm trên 99,7%. Bên cạnh đó, 17/17 điểm giao dịch xã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và hộ dân thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiền tiết kiệm,...
Từ kết quả hoạt động năm qua cho thấy, Chương trình tín dụng chính sách có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển xã hội, tạo sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa cao, tạo sự minh bạch trong thực hiện, giảm thiểu rủi ro, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả xã hội cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH hàng năm đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Năm 2017, Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô phấn đấu đạt nguồn vốn trên 344 tỷ đồng và dư nợ trên 344 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản từ Trung ương đến địa phương về tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi, thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo...
Nâng cao chất lượng hoạt động Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện. Tăng cường phối hợp thực hiện với các ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác.
Thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm của các cấp trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng cho vay vốn và sử dụng vốn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ để người vay vốn hiểu và thực hiện đúng chính sách, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và có trách nhiệm trả nợ ngân hàng.
Hoàn thiện mô hình tổ chức và mạng lưới hoạt động của Ngân hàng CSXH từ huyện đến các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua, khen thưởng, sơ kết, đánh giá và rút bài học kinh nghiệm.
Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, từ ngân sách địa phương điều hành linh hoạt nguồn vốn thu hồi, kịp thời phục vụ nhu cầu vay vốn cho các đối tượng chính sách, đảm bảo giải ngân nhanh, gọn với mức vay hợp lý theo quy định và phù hợp với nhu cầu thực tế giúp cho các gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống...
Bài, ảnh: Hồng Giang