Hiện nay NHCSXH tỉnh đang triển khai 9 chương trình cho vay vốn ưu đãi dành cho đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Một trong những chương trình đã gắn bó lâu dài với hộ nghèo và có tác động tích cực đến công tác giảm nghèo tại tỉnh ta là Chương trình cho vay hộ nghèo. Sau 10 năm triển khai, đây là một trong những chương trình triển khai có hiệu quả nhất, góp phần cùng các cấp, các ngành giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta. NHCSXH đã tranh thủ được khối lượng vốn lớn từ NHCSXH Việt Nam, kết hợp với nguồn vốn do ngân sách tỉnh chuyển sang và vốn huy động trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng kịp thời các yêu cầu vốn cho hộ nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chương trình cho vay hộ nghèo đã được NHCSXH triển khai ở các huyện, thành phố, thị xã với 145 điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường. Nguồn vốn dành cho hộ nghèo phân bổ cho tất cả các xã, phường theo hướng ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tính đến 31-12-2012, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã cho trên 155,5 nghìn lượt hộ nghèo vay với tổng số vốn vay gần 999 tỷ đồng. Nếu như đầu năm 2003, NHCSXH tiếp nhận chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với dư nợ trên 127 tỷ đồng thì đến năm 31-12-2012 dư nợ cho vay đạt trên 359 tỷ đồng, tăng 2,83 lần so với thời điểm mới thành lập. Dư nợ cho vay bình quân năm 2012 là 11,1 triệu đồng/hộ, tăng 8,8 triệu đồng so với năm 2003. Nợ quá hạn thấp, chỉ bằng 1% tổng dư nợ cho vay hộ nghèo. Riêng 7 tháng đầu năm 2013, NHCSXH đã cho 540 hộ vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo với tổng số vốn trên 10 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 365 tỷ đồng.
Tỷ lệ nguồn vốn cho vay hộ nghèo trong những năm qua chiếm trên 36% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh. Với nguồn vốn này, người dân chủ yếu phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư xây dựng trang trại, mở rộng các mô hình sản xuất. Qua đó, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã góp phần cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể giúp cho 42.486 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh từ 12,4% (năm 2003) xuống còn 7,54% (năm 2012) theo tiêu chí mới. Trong đó hàng nghìn hộ nghèo, nhờ vốn vay của NHCSXH đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Điển hình như hộ chị Tống Thị Thủy, xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) là một trong những hộ nghèo đã được tiếp cận vốn vay chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi. Chị Thủy xúc động chia sẻ: NHCSXH đúng là "cứu tinh" cho các hộ nghèo nói chung và gia đình tôi nói riêng. Gia đình tôi cực kỳ khó khăn, lại có 3 con đang ăn học, con lớnhọc đại học phải đi làm thêm để có tiền trang trải học hành, cả nhà ở quê chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đi làm thuê. Nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi được vay 8 triệu đồng từ NHCSXH. Có vốn và được các cấp, các ngành tư vấn, hướng dẫn, gia đình tôi đã đầu tư nuôi gà, nấu rượu lấy bã chăn nuôi lợn nái. Lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2011 gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ gốc và lãi cho NHCSXH.
Hộ chị Phạm Thị Năm, xã Ninh Vân (Hoa Lư) cũng là một trong hàng nghìn hộ nghèo tiêu biểu đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Chị Năm tâm sự: Chồng bị tàn tật từ khi còn trẻ nên mọi công việc trong gia đình đều đổ dồn lên vai chị. Cuộc sống càng khó khăn, vất vả khi các con của chị lần lượt chào đời, lớn lên và đi học. Nhiều khi chị thức trắng đêm để nghĩ cách thoát khỏi đói nghèo nhưng cách nào cũng phải có vốn để đầu tư sản xuất. Đang lúc khó khăn, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn chị đã mua 2 con lợn nái sinh sản, nhờ Hội Phụ nữ giúp về kinh nghiệm chăn nuôi nên việc chăn nuôi của gia đình chị khá thuận lợi. Ngay trong những lứa lợn đầu tiên, gia đình chị đã có lãi, đồng vốn của NHCSXH tiếp tục sinh sôi giúp gia đình chị trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn. Thành công ban đầu đã tạo đà cho gia đình chị đầu tư mở rộng chăn nuôi như nuôi bò sinh sản, gà, vịt. Với hiệu quả trong chăn nuôi, không những giúp gia đình chị thoát nghèo mà cuộc sống được cải thiện rõ nét, có tiền xây dựng nhà mái bằng kiên cố, mua sắm đồ dùng trong gia đình, con cái được học hành và có vốn tích lũy.
Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, trong thời gian qua NHCSXH cũng tích cực triển khai các chương trình khác có tác động gián tiếp đến công tác giảm nghèo như chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…. Và gần đây, Thủ tướng Chính Phủ có Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Sau một thời gian triển khai, chương trình cho trên 2.200 hộ cận nghèo được vay với tổng số vốn trên 47 tỷ đồng. Những hộ cận nghèo được vay vốn đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó giảm tỷ lệ tái nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, hiệu quả chương trình cho vay hộ nghèo và các chương trình cho vay ưu đãi khác trong những năm qua rất lớn, góp phần không nhỏ cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, đối tượng hưởng thụ chính sách tín dụng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ cận nghèo. Do đó để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đã đặt ra, NHCSXH tiếp tục tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương kết hợp với nguồn vốn của ngân sách địa phương và vốn huy động để đáp ứng yêu cầu cho vay hộ nghèo, đồng thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Bài, ảnh: Hồng Giang