Một trong những hoạt động nổi bật chính là sự hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Ninh Bình. Có thể ví sự ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH và Hội Nông dân tỉnh là sự hợp tác thân thiện, đồng vốn từ Ngân hàng đã đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách ngày một nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng cho vay và hiệu quả sử dụng đồng vốn. Nhờ thực hiện tốt việc phối hợp nên trong năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã củng cố và thành lập được 786 tổ vay vốn cho 30.946 hộ vay với tổng dư nợ đạt trên 207,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 1,19% so với tổng dư nợ, chủ yếu do nhận bàn giao nợ cũ, Hội Nông dân tỉnh đã trở thành bạn hàng lớn của NHCSXH với dư nợ chiếm gần 30% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, vốn vay hộ nghèo 91,22 tỷ đồng, vốn vay học sinh, sinh viên 50,04 tỷ đồng, vốn nước sạch vệ sinh môi trường 21,59 tỷ đồng, vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 31,75 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn vay đã giúp trên 62.400 lao động có việc làm ổn định và 2510 hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả. Đặc biệt nhiều hộ nghèo được vay vốn từ nguồn vốn vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã đỡ được phần trang trải các chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của con em trong thời gian theo học tại trường và ổn định cuộc sống gia đình.
Để chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và NHCSXH tỉnh thực sự đi vào cuộc sống và đưa nguồn vốn trực tiếp tới tay nông dân nghèo, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với NHCSXH chỉ đạo Hội Nông dân, NHCSXH cùng cấp tổ chức tuyên truyền về chương trình ký kết, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các quy định của Ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tới hội viên nông dân để thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và phân loại hộ nghèo. Hàng năm Hội Nông dân các cấp đều tổ chức tập huấn về quản lý tín dụng, ghi chép sổ sách cho cán bộ hội và tổ trưởng các tổ TT&VV, cung cấp các tài liệu biểu mẫu hướng dẫn để nâng cao nghiệp vụ quản lý và cập nhật các chủ trương, chính sách mới. Trong năm 2008, đã có gần 5.000 lượt cán bộ Hội các cấp, tổ trưởng tổ TK&VV được tập huấn nghiệp vụ nhận ủy thác vốn vay.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức chuyển giao KHKT và xây dựng nhiều mô hình, dự án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hội viên nông dân như mô hình lúa chất lượng cao, mô hình nuôi dê cao sản, mô hình gà thả vườn…nhằm trang bị kiến thức, phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình giúp hội viên nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Qua việc triển khai thực hiện dịch vụ ủy thác, Hội Nông dân các cấp đã tham mưu với chính quyền địa phương xác định đối tượng nghèo có đủ điều kiện vay vốn, đối tượng được vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Việc bình xét đối tượng vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ. Mặt khác, sinh hoạt tổ TK&VV đã được các cấp hội duy trì thường xuyên với nội dung phù hợp và thiết thực. Tại các buổi sinh hoạt tổ, hội viên vay vốn đã được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, cách xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Qua đó nâng cao tinh thần tương thân tương ái trong hội viên nông dân, tinh thần đoàn kết hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và trả vốn lãi đúng kỳ hạn, góp phần làm cho hội viên gắn bó hơn với Hội, tổ chức Hội được củng cố ngày càng vững mạnh.
Qua đánh giá của NHCSXH và Hội Nông dân tỉnh, việc ủy thác cho vay đã từng bước xã hội hóa hoạt động của ngân hàng, tạo được kênh dẫn vốn gần dân, giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thêm vốn để sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn từ NHCSXH cùng với một số nguồn vốn khác, phần nào đáp ứng nhu cầu vốn của hội viên nông dân, hạn chế được nạn cho vay nặng lãi tại các vùng nông thôn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2009, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp, triển khai kịp thời, chất lượng các Nghị quyết của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, coi trọng công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình cho vay, thu lãi, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Các cấp Hội sẽ chủ động phối hợp với NHCSXH tỉnh tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, chuyển giao các tiến bộ KHKT, tổ chức cho các hộ nông dân đăng ký gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội nói riêng và thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Quốc Khang