Ngày 12/2, trước thềm Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký. Công văn gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, hướng dẫn chư tôn, tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Khảo sát ý kiến của nhiều người dân, việc cấm đốt vàng mã là rất cần thiết, thậm chí nên cấm từ lâu rồi. Chị Nguyễn Thị Thái Hà, một người dân thành phố Ninh Bình cho biết, chị làm công quả tại nhiều ngôi chùa, được nhiều nhà sư khuyến khích không đốt vàng mã tại chùa và gia đình nên từ lâu chị đã thực hiện bỏ việc này. Tại gia đình, ngày rằm mùng một, chị chỉ thắp hương và hoa quả, bánh kẹo. Khi đến chùa, chị cũng không đốt hương mà chỉ đặt tiền vào hòm công đức và khấn vái với tấm lòng thành, đức tin của mình. "Vàng mã đốt nhiều thật sự là phí phạm, đó chính là hủ tục, là mê tín dị đoan… mà chúng ta lẽ ra nên loại bỏ từ lâu. Tôi thấy có những khóa lễ cắt sao giải hạn chở hàng ô tô vàng mã, với đầy đủ xe cộ, quần áo, đồ dùng gia đình…, trên trần gian có thứ gì, người ta làm dưới âm đúng như vậy và làm với hình dáng, kích thước y như thật, trông rất đẹp mắt. Sau khi lễ xong, phải đốt cả tiếng đồng hồ mới hết, ước tính mỗi lần như thế, người ta đốt đi hàng chục triệu đồng, thật tốn kém và phí phạm. Theo tôi, trong việc dẹp bỏ hủ tục này, tiếng nói của những người theo đạo Phật rất quan trọng, bởi những người hay đi chùa, đốt vàng mã thường đều là những tín đồ hoặc có niềm tin rất lớn vào Phật giáo; việc tuyên truyền, vận động cần từng bước và bền bỉ, từ đó việc thực hiện sẽ dần đi vào nền nếp và chắc chắn đạt hiệu quả như mong muốn." - chị Thái Hà chia sẻ thêm.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì Chùa Bái Đính thì thực tế, tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc theo Nho giáo. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, con người tồn tại dưới âm phủ vĩnh hằng; từ đó, người ta có nhu cầu chăm sóc cho người dưới âm phủ như thể đang còn sống trên trần thế. Theo đúng tinh thần của Phật giáo, chùa chiền không có tục đốt tiền vàng mã, bởi đạo Phật là hướng con người tới việc thiện, tu nhân tích đức, sống thanh thản, bỏ qua mọi tham sân si trong cuộc sống. Tục đốt vàng mã ở Việt Nam đã có từ lâu đời nên trở thành nét văn hóa, nhưng những năm gần đây, do sự phát triển của nền kinh tế đã và đang bị lạm dụng như một sự mê tín. Do đó việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết và nên làm.
Đối với Ninh Bình, từ nhiều năm nay, các nhà tu hành, nhà chùa và các sư cũng đã tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội, hình thành nét đẹp lễ hội đầu xuân năm mới. Theo đó khuyến khích, tuyên truyền đến các tăng ni, phật tử và đông đảo người dân khi đi tham quan hay dự các lễ hội cần tìm hiểu, nắm bắt rõ ý nghĩa của lễ hội và giá trị của di tích nơi tổ chức lễ hội, thấy được ý nghĩa lớn nhất của lễ hội là tôn vinh, tỏ lòng biết ơn các danh tướng, các Anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước... Khi đi tham quan, chiêm bái không chỉ cầu tài, cầu lộc cho bản thân mình mà còn cầu nguyện cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, cho mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, cần có ý thức để không sa đà vào việc thắp nhiều hương, đốt nhiều tờ tiền, vàng mã… ảnh hưởng đến không khí và cảnh quan nơi thờ tự.
Hiện nay, nhiều ngôi chùa, đền thờ lớn như Khu tâm linh núi chùa Bái Đính, đền thờ vua Đinh, vua Lê và nhiều ngôi chùa lâu năm trên địa bàn thành phố và trong tỉnh cũng đã được hầu hết các nhà chùa tuyên truyền, vận động không đốt vàng mã. Ngay cả việc đốt nhang, đặt tiền lẻ hiện cũng đã được hạn chế để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe những người tu hành và khách vãng lai. Đặc biệt Khu tâm linh núi chùa Bái Đính, nhiều năm qua đã tuyên truyền và thực hiện nghiêm quy định người dân chỉ thắp hương tại các lư hương đặt trước cửa chùa chứ không thắp hương trong nội tự. Các điểm đặt hòm công đức, đặt tiền tiến cúng ở nơi thờ tự, các tượng phật cũng đã được bố trí hợp lý… để người dân dần hình thành ý thức văn minh khi đi lễ chùa, đảm bảo cho một khu tâm linh văn minh, văn hóa.
Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết thêm, cùng với việc loại bỏ tục đốt vàng mã, tiến tới vận động, tuyên truyền người dân không đặt tiền lẻ tại các ban thờ, không đốt nhiều hương, dâng cúng nhiều vật phẩm… cũng rất cần thiết, từ đó tạo thành nếp văn hóa văn minh, tôn nghiêm chốn thờ tự, để đền, chùa thật sự là nơi để mọi người khi đến lắng tâm, định thần, chiêm nghiệm những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, để sống đẹp, có ý nghĩa hơn, chứ không phải biến những nơi đó thành nơi mua thần bán thánh, hối lộ Tiên Phật để cầu danh, cầu lợi cho bản thân và gia đình mình.
Bài, ảnh: Hạnh Chi