Những HTX điển hình Tiền thân là tổ sản xuất xóm 13, có truyền thống sản xuất rau an toàn nhưng quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, đầu ra không ổn định, chủ yếu thương lái về thu mua nên giá trị không cao, thường xuyên bị ép giá. Nhằm khẳng định giá trị, chất lượng của nông sản, tìm kiếm đầu ra và khai thác tối đa lợi thế nguồn đất màu mỡ, đầu năm 2016, xã Khánh Thành đã thành lập HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành với 30 hộ thành viên, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên diện tích 20ha.
Ông Phạm Văn Thẫn, Giám đốc HTX chia sẻ: Mục tiêu phát triển của HTX là tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao cho thành viên, hộ nông dân. Sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đặt mục tiêu nâng tổng công suất lên 1.000 tấn/năm, trong đó nông sản thân lá đạt 300 tấn, loại củ, quả 700 tấn; lợi nhuận cho các thành viên đạt trên 625 triệu đồng/ha và lợi nhuận HTX đạt 400 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường 1,5 - 2 tấn rau, củ, quả các loại, cung cấp đến hệ thống siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành chỉ là một điển hình về sự thành công của HTX chuyên ngành. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 66 HTX chuyên ngành, tăng 17 HTX so với năm 2017. Các HTX chuyên ngành tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các loại rau, nấm, dược liệu; chăn nuôi, thủy sản, gia súc, gia cầm, cây con đặc sản...
Doanh thu bình quân năm 2018 ước đạt 5 tỷ đồng; thu nhập bình quân HTX đạt 220 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Các HTX hoạt động đúng theo mô hình kiểu mới, bộ máy tinh gọn, cán bộ có trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh, thích ứng với cơ chế thị trường, tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm làm ra.
Các HTX chuyên ngành cũng chủ động tìm kiếm hợp đồng, thị trường cho sản phẩm, giúp thành viên giải quyết đầu ra về tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Những HTX chuyên ngành đã bước đầu thành công như: HTX Sinh dược Gia Sinh, HTX Nấm dược liệu Khánh Công, HTX Dược liệu Yên Sơn, HTX Rau Gia Phong, Khánh Thành, HTX Thủy sản Gia Hòa, Yên Hòa...
Để giải quyết bài toán kinh tế, HTX chuyên ngành tập trung tăng tối đa lợi nhuận nhờ việc ổn định được giá nông sản, hạn chế rủi ro "được mùa-mất giá" luôn ám ảnh lâu nay. Đồng thời giảm chi phí đầu vào với lợi thế về đất đai, giống, cơ sở vật chất... bằng vốn góp tự có của các thành viên; hạn chế được chi phí trung gian trong quá trình sản xuất do chủ động được về nguồn nhân lực, phương tiện...
Mặt khác, các HTX chủ động tìm đầu ra cho nông sản bằng việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nên bỏ qua các chi phí phát sinh với các thương lái trung gian. Do vậy, sự hình thành và phát triển HTX chuyên ngành đã và đang khẳng định vai trò thiết yếu trong việc liên kết hộ nông dân nhỏ lẻ, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung quy mô lớn, tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa.
Cần sự quan tâm hơn nữa
Để các HTX chuyên ngành của tỉnh ta phát triển toàn diện, cả về chất và lượng, còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Tuy các HTX chuyên ngành đã và đang hoạt động khá hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Số lượng các HTX chuyên ngành tuy đã phát triển song quy mô các HTX còn nhỏ, chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia.
Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn như đất đai, hạ tầng, trang thiết bị... Việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn, hoạt động liên kết và tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Đặc biệt là nhân tố con người, hiện đội ngũ cán bộ HTX "giỏi sản xuất" nhưng lại yếu về quản trị, xúc tiến thương mại...
Để góp phần thúc đẩy sự phát triển HTX nói chung, các HTX chuyên ngành nói riêng, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã tập trung khảo sát, tư vấn thành lập HTX cho các hộ sản xuất có nhu cầu; tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ tập huấn công tác quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX. Phát huy vai trò cầu nối, Liên minh đã kết nối các HTX với nhau, kết nối HTX với các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho nông sản thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại...
Mới đây, ngày 15/11/2018, Liên hiệp HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Ninh Bình đã ra đời với 12 thành viên, gồm 3 doanh nghiệp và 9 HTX trong tỉnh, hoạt động ở gần 30 ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Liên hiệp thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của tỉnh và các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn của tỉnh; huy động sức lực, trí tuệ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và trao đổi sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các đơn vị thành viên; giúp định hướng sản xuất cho các thành viên theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường; tuân thủ những tiêu chí kỹ thuật, tiêu chuẩn, cân đối với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng được mùa, mất giá...
Ngay sau khi ra mắt, dưới sự định hướng của Liên minh HTX tỉnh, Liên hiệp đã họp bàn và đưa ra phương án sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, bước đầu đánh giá được hiệu quả trong liên kết, quyết sách đúng đắn trong hoạt động, từng bước góp phần xây dựng, quảng bá và thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Để các HTX chuyên ngành ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Trong đó, Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX về cơ sở hạ tầng; có cơ chế về tín dụng để các HTX tiếp cận nhiều hơn nữa các nguồn vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ HTX về mô hình HTX liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp các HTX tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.
Thái Học