Về các vùng nông thôn, không khó nhận thấy nhiều bãi rác nằm dọc bên đường, ven chợ, trên mặt đê hay thậm chí ở ngay trong khu dân cư. Các bãi rác này ngày đêm bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu được biết, đa số các bãi rác này là bãi rác thải tạm thời được địa phương quy hoạch, cho phép tạm thời chứa rác thải sinh hoạt của các thôn, xóm để chờ xe của Công ty môi trường mang đi xử lý.
Một số bãi rác tạm thời này được xây dựng tường bao xung quanh; tuy nhiên do ý thức của người đi thu gom nên rác thải không được đổ gọn vào trong khu vực tường bao mà đổ tràn lan ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Các loại rác thải không được phân loại đổ về đây gây khó khăn cho việc xử lý. Nhiều địa phương do hợp đồng với Công ty Môi trường không chặt chẽ nên nhiều ngày rác thải mới được chở đi, gây quá tải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, đa số hộ dân đành "sống chung với rác".
Khu vực nông thôn có mật độ phân bố dân cư và các cơ sở sản xuất thấp, diện tích rộng, phần lớn là chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng về thu gom, xử lý chất thải, chưa có định mức chung về chất thải. Tuy nhiên, theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, định mức rác thải sinh hoạt nông thôn là 0,4kg/người/ngày. Mỗi ngày, khu vực nông thôn thải lượng rác khá lớn đang là áp lực của nhiều địa phương.
Mặc dù, theo quy định của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã phải có bãi rác nhưng đến nay, số xã có bãi rác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các xã ở vùng nông thôn chỉ có các bãi chứa rác tạm thời và các bãi tập kết rác thải này luôn trong tình trạng quá tải.
Việc xử lý rác thải ở nông thôn chưa có quy hoạch tổng thể, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải mang tính tự phát, chưa đúng quy trình, kỹ thuật. Một số nơi tận dụng ao, mương trống của hộ dân để chôn lấp. Có những hộ xử lý bằng cách đốt, hiệu quả xử lý rác thải còn thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Khó khăn của các địa phương hiện nay là vấn đề vốn, đất quy hoạch xây dựng bãi rác. Để đầu tư xây dựng bãi rác đúng chuẩn thì cần nhiều chi phí và quỹ đất. Với nguồn vốn hạn hẹp của địa phương, xây dựng hệ thống xử lý hoặc lò đốt rác là "lực bất tòng tâm", do vậy các địa phương vùng nông thôn trong tỉnh hiện vẫn chủ yếu xây dựng bãi đổ rác tạm thời và hợp đồng với Công ty Môi trường để xử lý rác.
Trước thực trạng trên, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức trong việc hạn chế sử dụng túi ni-lon, dùng sản phẩm thân thiện với môi trường và thực hiện tốt việc phân loại rác thải ngay tại các hộ gia đình, tạo điều kiện cho việc xử lý rác thải nhanh và thuận lợi.
Đối với chính quyền địa phương cần xây dựng các bãi chứa rác tạm thời hợp lý, đảm bảo xa khu vực dân cư và không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Các địa phương phải có đủ phương tiện, trang thiết bị và đội ngũ thu gom rác và hợp đồng chặt chẽ với Công ty Môi trường trong việc xử lý, thu gom rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trần Dũng