4 trường hợp tử vong do chó cắn Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 2008-2012 mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận khoảng 800-900 người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2000. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, con số này lại có xu hướng tăng lên, năm 2015 là 1.500 người, năm 2016 là gần 1.900 người, năm 2017 là trên 2.200 người. Riêng năm 2018, chỉ từ đầu năm đến nay đã có trên 900 người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng. Về nguyên nhân nhiều người bị chó cắn là do tình trạng nuôi chó thả rông hiện nay vẫn diễn ra rất phổ biến.
Về các trường hợp người mắc bệnh dại và tử vong từ năm 1992 đến 1998 toàn tỉnh đã có 27 trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ở cả 8/8 huyện, thành phố nhưng nhiều nhất là ở huyện Nho Quan và Hoa Lư. Từ năm 1999 đến 2014, không ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại, tuy nhiên từ năm 2015, bệnh dại trên người lại xuất hiện trở lại và đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp, trong đó 3 trường hợp ở huyện Nho Quan và 1 trường hợp ở thành phố Ninh Bình.
Tiêm phòng chó dại nhiều địa phương dưới 50%
Trước năm 2000, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho động vật trong tỉnh thường đạt 80-90%, nhưng sau nhiều năm không xuất hiện bệnh dại ở người nên người dân lơ là trong công tác phòng, chống; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo rất thấp.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thì hiện nay Ninh Bình có trên 36 nghìn con chó, tuy nhiên số chó được tiêm phòng dại chỉ vào khoảng 26-27 nghìn con, tương đương với khoảng 70% tổng đàn. Bên cạnh một số địa phương tổ chức tiêm phòng tốt, đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn như Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, còn lại đa số các địa phương đạt tỷ lệ tiêm phòng thấp, thậm chí trong đợt tiêm phòng dại vụ xuân hè năm nay, tỷ lệ tiêm phòng của huyện Kim Sơn gần 32%, huyện Gia Viễn đạt 48%.
Tìm hiểu về nguyên nhân vì sao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo đạt thấp, chúng tôi có trao đổi với một số cán bộ thú y cơ sở thì được biết: Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu do ý thức trong công tác tiêm phòng dại chó, mèo của người dân chưa cao, một trong những nguyên nhân quan trọng là do tập quán nuôi chó, mèo của người dân.
Nhiều hộ dân hiện nay vẫn nuôi chó kiểu thả rông, không chuồng nuôi nhốt, không có xích, rọ mõm nên việc bắt giữ để tiêm rất khó khăn, ngay cả với chủ vật nuôi.
Do việc tiêm phòng dại cho chó, mèo rất vất vả và nguy hiểm nên nhiều khi không thể vận động được các cộng tác viên thú y thôn bản đi tiêm mà một mình cán bộ thú y xã thì không tiêm hết được.
Bên cạnh đó, người nuôi phải chi trả 100% tiền tiêm phòng cho chó, mèo (bao gồm 12.000 đồng/liều vắc xin và 4.500đồng công tiêm/1 con) nên nhiều hộ tiếc tiền không muốn tiêm.
Hơn nữa, chưa có bất cứ trường hợp chủ vật nuôi chó, mèo nuôi nào bị xử lý khi không chịu tiêm phòng và cũng không có chủ vật nuôi nào phải bồi thường thiệt hại khi để chó, mèo thả rông cắn người theo quy định Pháp lệnh Thú y, do vậy không đủ sức răn đe và nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Tại một số địa phương, chính quyền chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo tiêm phòng; việc tuyên truyền, đôn đốc, giám sát tiêm chưa thực sự hiệu quả.
Công tác quản lý chó nuôi cũng bị buông lỏng, thậm chí tại nhiều xã không thống kê được danh sách hộ nuôi chó, việc lập kế hoạch tiêm phòng dại hàng năm cho đàn chó nuôi của địa phương đó không dựa trên số lượng chó nuôi thực tế mà chủ yếu dựa vào số liệu chó nuôi đã được tiêm phòng của năm trước để giao chỉ tiêu cho năm sau.
Do vậy, dù ngành chuyên môn và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, song công tác tiêm phòng dại cho đàn chó mèo nuôi vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.
Cần có những biện pháp kịp thời và đồng bộ
Để khống chế bệnh dại, theo các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên là chính quyền các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Trong đó, biện pháp chủ yếu là quản lý đàn chó vì không có chó dại thì sẽ không có bệnh dại ở người. Cần sự quyết liệt trong công tác tiêm phòng dại trên đàn chó, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn.
Bên cạnh đó, tổ chức bắt giữ và xử lý đối với chó thả rông, đảm bảo 100% người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật nuôi; củng cố hệ thống báo cáo dịch, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.
Nhiều năm làm việc, tiếp xúc với các bệnh nhân bị chó cắn, các trường hợp bị tử vong do bệnh dại, bác sỹ Trần Văn Thiện, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện nay, nhận thức của người dân đã được nâng cao hơn, thể hiện qua việc số lượng người đi nghe tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại tăng cao hơn.
Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn hiểu sai về bệnh dại như: Đi thử bệnh dại bằng hột đậu lào, lăn đất trên người tại nhà một số thầy lang. Không đi tiêm phòng và điều trị bằng thuốc nam, dẫn đến những cái chết đau lòng. Nhiều người cho rằng vắcxin dại độc hại cho sức khỏe, nhưng đó là những quan điểm sai lầm.
Vì vắcxin dại cũng là vắcxin phòng bệnh như các loại vắcxin khác, tính an toàn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, ở nhiều quốc gia người dân chủ động tiêm phòng dại như các loại vắcxin khác (tiêm khi chưa bị phơi nhiễm).
Bác sỹ Trần Văn Thiện khuyến cáo: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có nguy cơ lây từ động vật sang người, chính vì thế khi bị chó, mèo, chuột, dơi, cầy, chồn, cáo, bò… cắn, hay một loại động vật hoang dã bất kỳ cắn phải đi tiêm phòng dại.
Khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải xử lý bằng cách: rửa xà phòng từ 3-5 phút, không nặn máu, không bôi bất cứ thứ gì lên vết cắn, để hở vết cắn và cần được tư vấn và chăm sóc của nhân viên y tế.
Đối với trẻ em có nguy cơ cao và những người có tiếp xúc với chó mèo thường xuyên như: cán bộ thú y, người giết mổ chó, nhân viên cứu hộ tại các cơ sở thú y… nên chủ động tiêm phòng dại.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.
Hà Phương