Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục ATVSTP tỉnh cho thấy, kiến thức về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng tuy đã được nâng lên đáng kể, nhưng việc "thực hành đúng" quy trình về an toàn thực phẩm thì vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể như, những thói quen cần thiết và đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới, đám giỗ, tại các gia đình vẫn còn. Đơn giản như thức ăn chín để lẫn thức ăn sống trong tủ lạnh; thức ăn chế biến xong không che đậy kỹ càng dễ bị ruồi, nhặng, vi khuẩn xâm nhập; tình trạng ăn sống các loại tiết canh, gỏi cá… từ đó rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi cá nhân và cộng đồng.
Để nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề ATTP, nhân Tháng hành động vì ATTP, vào mùa lễ hội, trong các đợt thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất… công tác thông tin, tuyên truyền được tập trung triển khai vào việc phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về điều kiện vệ sinh ATTP... Hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn như: Thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến; thực hiện tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ trong sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống; không sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, chất cấm trong chăn nuôi… Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018, các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công thương và các tổ chức, đoàn thể đã phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề..., cho hàng chục nghìn người dân; các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự, cung cấp hàng chục nghìn bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về ATTP... cho các hộ sản xuất, kinh doanh, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 117 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2017. Đồng thời, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành/chuyên ngành tuyến tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để đưa tin kịp thời về việc kiểm tra và xử lý vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh báo tới người tiêu dùng cũng như răn đe đối với cơ sở thực phẩm khác trên địa bàn; đồng thời thông tin về những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn để người dân biết và lựa chọn sử dụng.
Theo đại diện ngành Y tế, vào mùa nắng nóng, ngành chỉ đạo kiểm tra và đôn đốc các Trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn bản, xã, phường bằng nhiều hình thức, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để người dân nắm rõ các biện pháp phòng bệnh theo mùa, giữ gìn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, giúp người dân biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi sinh sống. Khuyến cáo mọi người khi có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Và điều quan trọng hơn cả để đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc, mỗi người dân cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách sử dụng thực phẩm, từ đó mới không xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe, yên tâm học tập, lao động và công tác.
Mỹ Hạnh