Đồng chí Phạm Đức Hạnh, Trưởng Phòng tư vấn - Trợ giúp (Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Ninh Bình) cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh việc huy động nguồn lực, kết nối các dịch vụ trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có trẻ em), Phòng đã tích cực tham mưu với Ban giám đốc Trung tâm đẩy mạnh các giải pháp nhằm giúp trẻ em nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó các nguy cơ có thể xảy ra. Theo đó, Trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức như: tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, thông tin trên Website; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, nhất là Ban giám hiệu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn để tổ chức các buổi truyền thông về phòng, tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em và sức khỏe sinh sản vị thành niên..., qua đó không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn giúp cộng đồng biết và tìm đến Trung tâm khi cần được trợ giúp.
Cũng theo đồng chí Phạm Đức Hạnh: Việc bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng tránh xâm hại trẻ em đang là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội. Thêm vào đó, tai nạn thương tích rất dễ xảy ra vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Vì vậy, hàng năm, Trung tâm đã chú trọng truyền thông trong các nhà trường, qua đó trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ thiết yếu, góp phần phòng ngừa hoặc giảm nhẹ các tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ em.
Được chứng kiến buổi tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em và sức khỏe sinh sản vị thành niên do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh phối hợp với Ban giám hiệu Trường THCS Thượng Kiệm (Kim Sơn) tổ chức, chúng tôi nhận thấy không khí buổi truyền thông rất sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. Tại buổi tuyên truyền, các cán bộ Trung tâm đã nêu những nguy cơ và dấu hiệu nhận biết trẻ em đang bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục. Đồng thời nhấn mạnh hành vi xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển, tâm lý của trẻ; gây nên nỗi đau, ám ảnh về thể xác lẫn tinh thần của trẻ. Đặc biệt là các báo cáo viên của Trung tâm đã cung cấp kiến thức giúp các em nắm bắt, nhận diện được các biểu hiện của việc xâm hại, từ đó có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, Trường THCS Thượng Kiệm (Kim Sơn) cho biết: Trong nhiều năm gần đây, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường còn tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giúp học sinh có các kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ có thể xảy ra. Sự tận tình của các cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh đã giúp các em học sinh trong trường và các giáo viên có thêm những thông tin, kiến thức và kỹ năng trong việc phòng tránh tai nạn thương tích và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Em Lê Huy Anh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Thượng Kiệm vui vẻ cho biết: Em thường xuyên được nghe bố mẹ, ông bà nhắc nhở phải cẩn trọng với sông nước, những lưu ý khi bơi lội để tránh bị đuối nước... Nhưng thực tình em chưa nhận thức rõ ràng hậu quả của việc đuối nước nên nhiều khi vẫn còn tâm lý chủ quan. Được tham gia buổi truyền thông do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tổ chức, em nhận thức được rằng mình cần phải luôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không; khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; đặc biệt em đã biết cách xử lý tình huống khi gặp một trường hợp đuối nước cần sơ cứu như thế nào?...
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức mở các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em và sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 1.900 em học sinh THCS. Nội dung chương trình giáo dục đa dạng với nhiều hoạt động phong phú, giúp chuyển tải nhẹ nhàng và sinh động các nội dung của kỹ năng đến các em học sinh. Vì vậy, sau khi tham gia chương trình học tập, đa phần học sinh đã có những thay đổi rõ rệt về suy nghĩ và hành động, biết phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ có thể xảy ra với mình, chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp với trẻ em.
Bài, ảnh: Khải Hoàn