Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, đến nay toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp được đánh giá rất tích cực, có đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay, nên rất cần những chính sách hỗ trợ phát triển.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008-2013 và đề xuất những chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Các chính sách về công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài được đẩy mạnh. Tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và thực hiện nhiều biện pháp xúc tiến, kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế của tỉnh; ban hành danh mục 13 dự án ưu tiên vận động vốn ODA giai đoạn 2015-2017 làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động thực hiện.
Để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, tỉnh đã tập trung cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong 4 năm trở lại đây, Ninh Bình đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 1 sáng chế; 17 kiểu dáng công nghiệp và 88 nhãn hiệu thông thường. Hỗ trợ phát triển nhãn hiệu (xây dựng hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu và thiết kế kênh thông tin) cho 18 tổ chức với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng; tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ canh tác, nuôi trồng, thu hoạch tiên tiến như: Kỹ thuật trồng rong câu Chỉ vàng; phân lập, nhân giống, nuôi trồng nấm Vân chi, Hoàng chỉ với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ninh Bình còn triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, thương mại điện tử, khuyến công và xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh như linh kiện điện tử, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch thông qua công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. Trong thời gian qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả và chuyên nghiệp hơn, khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề, thu hút đầu tư, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí.
Tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 546 cơ sở lưu trú du lịch với 6.435 phòng ngủ, trong đó có 56 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1- 4 sao và 215 cơ sở Homestay, thu hút trên 3.000 lao động. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng nhanh, giai đoạn 2010 - 2018, tổng lượt khách đạt trên 12%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 4,5%, khách nội địa 13,8%. Doanh thu du lịch tăng khoảng 25%/năm.
Cùng với đó, để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ninh Bình đã xác định trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, từ đó các cấp, các ngành trong tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tiến hành công khai các thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa liên thông của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đến nay 100% cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Trong đó, đã thực hiện các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và mức độ 4 liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan... Theo công bố của Ban chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như sự hỗ trợ hiệu quả từ phía chính quyền địa phương, tuy nhiên những kết quả đạt được trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp vẫn chưa cao. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ quản lý kinh tế hạn chế, vốn đầu tư thấp, thiếu thông tin về thị trường và luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước yếu nên chưa tận dụng được tốt lợi thế về quy mô thị trường đang mở rộng. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn chậm, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất lạc hậu, chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản nông sản sau thu hoạch và dịch vụ nông nghiệp còn chậm phát triển...
Song song với những khó khăn nội tại từ phía doanh nghiệp thì các chính sách thu hút đầu tư và các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng tính đồng bộ vẫn chưa cao, do vậy chưa thực sự tạo nên lợi thế trong việc thu hút đầu tư, nhất là đối với các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Những hạn chế này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay. Chính vì thế trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tăng cường khởi sự doanh nghiệp. Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.
Nguyễn Thơm