PV: Xin bác sỹ cho biết những đặc điểm cơ bản của bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola?
Bác sỹ Nguyễn Quang Xuân: Sốt xuất huyết do virút Ebola gây ra là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 90%. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của vi rút này. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Người mắc bệnh do vi rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
PV: Thưa bác sỹ, vậy những trường hợp nào có nguy cơ nhiễm vi rút Ebola cao?
Bác sỹ Nguyễn Quang Xuân: Qua theo dõi nhiều trường hợp mắc bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê các đối tượng có nguy cơ nhiễm vi rút Ebola cao là: Thành viên gia đình hay người tiếp xúc trực tiếp gần với người mắc bệnh; người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola; người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi rút Ebola trong rừng; cán bộ y tế có nguy cơ nhiễm vi rút Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này, tuy nhiên dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Để kiểm soát sự lây truyền của vi rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
PV: Để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này, theo bác sỹ cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Bác sỹ Nguyễn Quang Xuân: Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập, lao động ở các quốc gia đang có dịch bệnh và trở về nước. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola gây ra, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc, thiết bị, vật tư chuyên dùng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh này, tuyên truyền, thông báo kịp thời về tình hình dịch, cơ chế lây bệnh, mức độ nguy hiểm và các biện pháp để người dân biết, bình tĩnh, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Cùng với ngành Y tế, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan có liên quan như: Chi cục Hải quan, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… tăng cường công tác giám sát, kiểm tra người, động vật, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu tại các cửa khẩu…
Đối với người dân, ngành Y tế cũng đưa ra khuyến cáo: Trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, không nên đi du lịch, lao động, kinh doanh… đến những nước đang có diễn biến dịch phức tạp. Khi có những biểu hiện của dịch bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Biện pháp phòng ngừa đối với dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola gây ra chủ yếu dựa vào thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!
Phan Hiếu (Thực hiện)