PV: Xin đồng chí cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay? Đ/c Dương Biên Thùy: Trong bối cảnh của suy thoái kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện bản lĩnh trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát triển cả về số lượng và nâng lên về chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp có sự chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình xứng đáng là lực lượng chủ lực, xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 4.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 2.000 doanh nghiệp tư nhân, 1.500 công ty TNHH, 400 công ty cổ phần, 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng. Có trên 200 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng; trên 2.200 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với vốn đăng ký gần 17 nghìn tỷ đồng và trên 600 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ với vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014 có gần 400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động ước đạt trên 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 800 tỷ đồng, chiếm 51% tổng thu ngân sách của cả tỉnh. Các doanh nghiệp đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 126 nghìn lao động với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng; các quyền lợi của người lao động như BHXH, BHYT, ngày lễ, Tết... được đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định và mở rộng được sản xuất, kinh doanh, điển hình là Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Khách sạn Hoàng Sơn, Công ty TNHH Thiên Trường An, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH Xuân Sinh… Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia thực hiện các công tác xã hội: xóa đói, giảm nghèo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt....với số tiền hàng chục tỷ đồng.
PV: Theo đồng chí những vấn đề cần "khơi thông" đối với doanh nghiệp hiện nay là gì?
Đ/c Dương Biên Thùy: Do có nhiều giải pháp của Chính phủ, tỉnh và các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh như: giảm thuế; chậm thuế; giảm lãi suất ngân hàng từ mức lãi suất cho vay cao 20-25% năm, nay giảm xuống trung bình còn 10-12%, có những khoản vay ưu đãi còn 8-9% năm; giảm tiền thuê đất từ 15-20 lần năm 2010, nay giảm xuống chỉ còn tối đa 2 lần; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp giải quyết các thủ tục, vướng mắc nhanh gọn, kịp thời.
Chính vì thế tạo động lực giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định hơn, có khoảng 15% số doanh nghiệp có bước phát triển khá, 70% doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là tổng cầu giảm, sức mua giảm, tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn; một số vật tư nhiên liệu thiết yếu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh vẫn tăng nên số đông doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cầm chừng, nhiều lĩnh vực giảm sút, nhất là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Theo báo cáo, năm 2013 có khoảng 500 doanh nghiệp ngừng sản xuất, chiếm 12,5% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh… Để giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển thì trước tiên các doanh nghiệp phải biết tự khai thác tiềm năng thế mạnh của mình, phân tích nhu cầu thị trường, điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp để cơ cấu lại doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sát với thực tế tình hình hiện nay. Điểm yếu của số đông doanh nghiệp hiện nay là trình độ quản lý điều hành doanh nghiệp còn yếu, năng suất lao động thấp, thiếu vốn hoạt động nên không thể đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngành đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hội thảo, phổ biến luật cho doanh nghiệp, nhất là tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành cho giám đốc, bộ máy quản lý của doanh nghiệp để tự mình đề ra kế hoạch, giải pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh khoa học hơn và tự tin trong quản lý điều hành.
Số đông các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn. Vì thế, ngành ngân hàng nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới; đồng thời nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống bằng 8% và nhỏ hơn 8% năm; xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh những dự án khả thi mà thiếu tài sản thế chấp. Ngành ngân hàng và các ngành liên quan cần phối hợp tổ chức các tổ chuyên gia có trình độ quản lý kinh tế giỏi xuống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động và có các chương trình dự án đầu tư đúng hướng của tỉnh như doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư vào du lịch dịch vụ…nắm bắt cụ thể tình hình, cùng với doanh nghiệp phân tích tìm giải pháp giúp doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn và phát triển đi lên. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp giải quyết thủ tục, vướng mắc được nhanh gọn, kịp thời…
PV: Với vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp?.
Đ/c Dương Biên Thùy: Với vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt các chính sách thuế và các nghĩa vụ đối với địa phương; thiết lập và xây dựng tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh; phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Thanh Hóa, các sở, ban, ngành tổ chức các buổi tập huấn về chính sách thuế, ngân hàng, phương pháp quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhằm giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, không ngừng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
Hội cũng tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn và nước ngoài nhằm tạo điều kiện giao lưu học hỏi và cơ hội quảng bá trao đổi sản phẩm trong nước và quốc tế… Cùng với sự phát triển về đội ngũ, xu hướng liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố ngày càng gắn bó, tạo nên sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm đa dạng chất lượng ngày càng nâng cao. Qua đó mở rộng thị trường, thu hút được hàng nghìn lao động, góp phần tăng ngân sách cho nhà nước, đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của tỉnh.
PV: Những giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới?
Đ/c Dương Biên Thùy: Những tháng cuối năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực, phấn đấu không ngừng vươn lên khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, tận dụng thời cơ, cơ hội, linh hoạt, nhạy bén; tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp phải đoàn kết, hỗ trợ nhau, khắc phục khó khăn về vốn và thị trường, thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động và hoàn thành 100% nghĩa vụ đối với nhà nước.
Các cấp ủy, chính quyền, nhất là các sở, ngành chủ động, tích cực đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp, nắm bắt những vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp và giải quyết kịp thời. Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, xứng đáng là đại diện, chỗ dựa tin cậy của các doanh nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục hướng dẫn, tư vấn, cung cấp thông tin về thương mại, pháp lý, kinh tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý, trao đổi thông tin, ý kiến giữa các doanh nghiệp và với các tổ chức.
Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hợp vốn đầu tư, hợp tác, thiết lập và phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước. Nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để phản ánh, đề đạt với các cơ quan Nhà nước về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước và các hoạt động về giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hội thảo, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức các lớp đào tạo thích hợp nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, khoa học, công nghệ…cho các doanh nghiệp, góp phần ổn định, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)