Gia đình bà Đinh Thị Hoa là một điển hình trong phát triển kinh tế ở bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan). Sở hữu diện tích 2 ha đồi rừng, nhưng những năm trước đây gia đình bà Hoa chỉ biết trồng ngô, sắn, năng suất phụ thuộc cả vào thời tiết. Dù có nhiều cố gắng, song gia đình bà vẫn chưa ra khỏi được danh sách hộ nghèo của xã. Cách đây 7 năm, qua các phương tiện truyền thông, bà Hoa nhận thấy cơ hội thoát nghèo từ nuôi hươu. "Tôi bắt đầu nảy sinh ý định nuôi hươu và đi tìm hiểu về nó. Con hươu nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm" - Bà Hoa nói. Quá trình tìm hiểu cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn... cho hươu, bà Hoa nhận được sự động viên, hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân xã. Và thế là những cặp hươu đầu tiên được vợ chồng bà Hoa đem về nuôi, đến nay, đàn hươu đã lên đến hơn 30 con, trong đó có 13 con hươu đực nuôi lấy nhung. Mỗi năm, đàn hươu cho hai lần thu lộc, mang lại cho gia đình bà số tiền trên 100 triệu đồng, chưa kể bán hươu thịt.
Ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Toàn xã có 1.683 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%. Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế đã được địa phương phát động và thực hiện hiệu quả. Toàn xã có trên 90% hội viên Hội Nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2019, số hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên có gần 200 hộ. Tiêu biểu cho phong trào này là hộ ông Tăng, ông Luật ở bản Xanh; ông Khoa, ông Dự ở Phùng Thượng; ông Tuyên, ông Triệu ở bản Săm... Hiện nay toàn xã có 10 trang trại, gia trại vừa và nhỏ và nhiều cánh đồng có thu nhập từ 80 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,83%.
Toàn huyện Nho Quan hiện có 7.836 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) với 27.993 người, chiếm 17% so với dân số trong toàn huyện. Trong đó dân tộc Mường, chiếm 98% tổng số người DTTS sinh sống trong toàn huyện, tập trung chủ yếu ở 8/27 xã, thị trấn của huyện gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Xích Thổ. Ngoài ra, còn có các dân tộc thiểu số khác như: Nùng, Tày, Thái, Dao, Sán Dìu, M Nông… sinh sống rải rác và đan xen trên địa bàn các xã của huyện. Những năm qua, đồng bào DTTS ở Nho Quan được thụ hưởng nhiều chính sách thiết thực, đây chính là "lực đẩy" để đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan cho biết: Nổi bật trong các chính sách hỗ trợ đó chính là Chương trình 135. Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 6/2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 là trên 21 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các công trình khởi công mới và công trình duy tu bảo dưỡng thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học…, đặc biệt là triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong năm 2019, Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai 9 dự án hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (có 155 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản; 11 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ máy cày cầm tay; 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ gà ri lai, thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng bệnh ban đầu) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến có 13 dự án được triển khai (dự án bò sinh sản: 10 dự án; dự án hỗ trợ máy cày cầm tay 1 dự án; dự án hỗ trợ gà ri lai, thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng bệnh: 2 dự án) với tổng số 398 hộ (239 hộ nghèo; 159 hộ cận nghèo) được nhận hỗ trợ từ dự án. Tính đến tháng 6/2020, đã có trên 1.500 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ trên 44 tỷ đồng… Những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS xuống còn 373 hộ, chiếm 4,92%, hộ cận nghèo còn 543 hộ chiếm 7,17%.
Kinh tế ổn định, đồng bào DTTS càng có thêm điều kiện đóng góp, chung tay cùng Nhà nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 2/8 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống về đích nông thôn mới là xã Xích Thổ và xã Yên Quang. Đến hết năm 2019, các xã đã tiếp nhận 2.146 tấn xi măng, làm được 12,8 km đường giao thông nông thôn với tổng số 87 tuyến đường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng dân tộc, miền núi. Đến nay, 100% số xã thuộc diện 135 có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 80% trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất.
Bài, ảnh: Đào Hằng