Thông qua giám sát giúp các vị đại biểu Quốc hội tiếp cận, nắm tình hình thực tế, nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống để tham gia thảo luận, quyết định tại Quốc hội. Sau các cuộc giám sát, Đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về cơ chế, chính sách để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề và phối hợp tham gia 2 cuộc giám sát của ủy ban Thường vụ và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương. Phối hợp tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh 5 cuộc giám sát.
Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn là thành viên các ủy ban của Quốc hội còn tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình của các ủy ban, tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và tại các phiên chất vấn do ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Để công tác giám sát, khảo sát đạt hiệu quả, chất lượng, hằng năm, ngay từ đầu năm, căn cứ kế hoạch giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và tình hình thực tế ở địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, lập kế hoạch giám sát, lựa chọn hợp lý các vấn đề cần đưa vào chương trình giám sát.
Nhìn chung, nội dung giám sát của Đoàn trong nhiệm kỳ khóa XIV đã được lựa chọn sát thực, tập trung vào những vấn đề trọng tâm của xã hội, những bức xúc được dư luận quan tâm.
Các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh được chuẩn bị kỹ về nội dung, điều kiện phục vụ và nhận được sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn; nội dung giám sát vừa mang tính vĩ mô, vừa gắn với các vấn đề bức xúc cuộc sống đang đặt ra.
Thông qua các cuộc giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã tổng hợp gửi 75 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi những bất cập trong chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Đồng thời, gửi tới UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh 40 nhóm ý kiến, kiến nghị về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực này tại địa phương nhằm phát huy các kết quả đạt được và xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật.
Công tác giám sát, khảo sát thực tiễn việc thực thi chính sách, pháp luật được Đoàn quan tâm, chú trọng. Trước khi về dự các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đều tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp về tình hình phát triển kinh tế, xã hội; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương với Đảng, Nhà nước, tập hợp làm tư liệu phục vụ đại biểu thảo luận tại Quốc hội.
Tiêu biểu: Đoàn đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng tại UBND xã Yên Phong, huyện Yên Mô, UBND huyện Yên Mô và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; tổ chức giám sát 5 đơn thư khiếu nại, kiến nghị; làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khảo sát thực hiện Luật Đầu tư công tại Kho bạc Nhà nước và tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; khảo sát việc quản lý thuế tại Cục Thuế tỉnh; khảo sát về kiến trúc, quy hoạch tại Sở Xây dựng phục vụ việc góp ý Luật Kiến trúc, Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến Luật Quy hoạch...
Đặc biệt, thực hiện quyền giám sát tối cao tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu trong Đoàn tích cực nghiên cứu, thu thập thông tin tham gia phát biểu chất vấn tại hội trường, chất vấn trực tuyến tại các phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số đại biểu gửi phiếu chất vấn đến các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ để chất vấn những vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm.
Trong nhiệm kỳ, đã có 285 ý kiến phát biểu tham gia thảo luận; trong đó có 86 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường và 176 ý kiến phát biểu tại tổ, 23 ý kiến do không có thời gian phát biểu nên đã gửi đến Tổng thư ký Quốc hội về các dự án luật, nghị quyết, thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nhất là những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như: đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; hiệu quả của các dự án đầu tư công; xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và các dự án luật, bộ luật có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Các ý kiến phát biểu đều thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, nhiều ý kiến được các cơ quan soạn thảo tiếp thu.
Trong hoạt động nghị trường, các vị đại biểu trong Đoàn thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn.
Các đại biểu trong Đoàn đã thực hiện 16 chất vấn trực tiếp tại hội trường và 18 chất vấn bằng văn bản đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ và trưởng ngành về: đầu tư cho du lịch và giải pháp phát triển du lịch; về kiểm toán các dự án BOT giao thông; về lĩnh vực quản lý báo chí và quản lý mạng xã hội; về giải quyết biên chế giáo viên, nhất là chính sách liên quan đến tuyển dụng giáo viên, nâng hạng tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên; về quy định độ tuổi của học sinh phổ thông được ghi trong luật đang mang tính cứng nhắc; hệ lụy của việc cho học sinh chuyển cấp và lớp; về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1; về chủ trương sáp nhập các trường tiểu học và trường trung học cơ sở...
Các ý kiến chất vấn nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của cử tri và đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu.
Những kết quả đạt được trong công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.
Mai Lan