Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, tỉnh Ninh Bình có 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Trên 16.000 người con Ninh Bình đã anh dũng hy sinh và được công nhận là Anh hùng liệt sỹ; trên 1.200 bà mẹ được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 8.000 thương binh, 7.000 bệnh binh, 740 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa….
Trong những năm qua, các địa phương, các ngành và toàn xã hội tiếp tục quan tâm và tích cực hưởng ứng công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện đúng, đủ và kịp thời theo quy định.
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì, phát triển sâu, rộng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong tỉnh. Điển hình như phong trào xây dựng nhà tình nghĩa; phong trào vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội", phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc sức khỏe người có công; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công; cùng với nhiều hoạt động tình nghĩa, thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao cả, đạo lý, nét đẹp của cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh tổ chức thăm, tặng trên 657 nghìn suất quà cho người có công và thân nhân trong dịp lễ, Tết, ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, trị giá trên 137,6 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân; hỗ trợ trên 2.096 hộ người có công xây mới, sửa chữa nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng, trong đó tỉnh trích 15,4 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội". Từ năm 2017 đến nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" huy động được trên 110 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh trên 48 tỷ đồng.
Phóng viên: Nâng cao mức sống cho gia đình có thành viên là người có công với cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành trong tỉnh ra sức thực hiện trong thời gian qua. Vậy trên thực tế, đời sống gia đình người có công đã được cải thiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Đúng vậy, nâng cao mức sống cho gia đình người có công là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Bên cạnh thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm hỗ trợ các gia đình người có công khó khăn về nhà ở xây dựng và cải tạo nhà ở thì các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ nghèo có thành viên là người có công.
Năm 2019, khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có 586 hộ nghèo có thành viên là người có công, trong đó có 432 hộ (chiếm 73,72%) không thể tác động giải pháp giảm nghèo; 69 hộ (chiếm 11,77%) có thể tác động giải pháp giảm nghèo; 70 hộ (chiếm 11,94%) vận động ghép hộ; 15 hộ (chiếm 2,57%) đề nghị rà soát lại đưa ra khỏi hộ nghèo. Đánh giá rõ nguyên nhân và khả năng thoát nghèo của từng hộ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt và sáng tạo các giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Kết quả thực hiện đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 395/586, đạt 67,4% hộ nghèo có thành viên là người có công thoát nghèo. Góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7.898 hộ nghèo (chiếm 2,57%), trong đó, hộ nghèo người có công 191 hộ, chiếm 2,42% so với hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 0,06% so với tổng số hộ dân.
Đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người có công được nâng lên. Có 98,19% hộ gia đình người có công của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Phóng viên: Hướng về Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 năm nay, tỉnh Ninh Bình có những hoạt động trọng tâm gì, thưa đồng chí?
Đ/c Lâm Xuân Phương: Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn đi viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Khu Di tích Thành cổ Quảng Trị. Ngoài ra, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung hoạt động như: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chính sách hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện đạt kết quả. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng người có công tiêu biểu, các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn. Chuyển và trao quà của Chủ tịch nước và quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tới đối tượng chính sách, đảm bảo chu đáo, kịp thời. Hoàn thành tốt kế hoạch đưa người có công đi điều dưỡng tập trung và tổ chức điều dưỡng tại gia đình. Các địa phương, đơn vị tổ chức sửa chữa, dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan, thăm viếng dâng hương hoa các nghĩa trang, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ. Chỉ đạo Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức chương trình thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang trên địa bàn vào tối ngày 26/7 theo chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng