Từ một tỉnh thuần nông, Ninh Bình trở thành địa phương có công nghiệp, du lịch phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng có bước phát triển khá, tăng gấp 27,7 lần, giá trị dịch vụ tăng gấp 12,4 lần so với năm mới tách tỉnh (1992).
Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 11-2012.
Trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như, lĩnh vực nông nghiệp: Ưu tiên đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và sản xuất giống chất lượng cao; chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.
Lĩnh vực công nghiệp: Ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, những dự án sử dụng nhiều lao động địa phương, nộp ngân sách cao.
Lĩnh vực du lịch: Ưu tiên đầu tư hạ tầng khu, điểm du lịch, các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao, các dự án sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Lĩnh vực văn hóa-xã hội: Ưu tiên các dự án đầu tư có tính chất xã hội hóa vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội...
Tại Hội nghị đó, đã có 7 dự án được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký là 9.118,1 tỷ đồng.
Trong số 7 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trên: Dự án nhà máy thép chất lượng cao có tổng vốn đầu tư lớn nhất với công suất 1 triệu tấn phôi thép vuông/năm và 500.000 tấn thép cán hợp kim dự ứng lực/năm được xây dựng tại Khu công nghiệp Khánh Phú.
Ban đầu, dự án do Liên doanh giữa Công ty TNHH cán thép Tam Điệp (30%) và Tập đoàn thép Kyoei Nhật Bản (70%) làm chủ đầu tư. Nhưng do có sự bất đồng giữa 2 đối tác nên dự án được chuyển đổi thành 100% vốn của nước ngoài và do Công ty thép Kyoei Việt Nam (Tập đoàn thép Kyoei - Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 3.872 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam: Hiện nay, phôi thép sản xuất trong nước vẫn chưa đủ và thép cán hợp kim dự ứng lực dùng trong xây dựng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất phôi thép trong cả nước từ 6 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm, góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đặc biệt là sẽ giảm nhập siêu đối với ngành thép.
Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng thi công và sẽ có doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, đây là dự án có công nghệ hiện đại nhất ở thời điểm hiện tại.
Ông Harima Naoki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam cho biết, công ty được thành lập 3-2012 và đã chuyển đổi thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài; phần chuẩn bị mặt bằng để bắt tay vào xây dựng dự án đã xong.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được hoàn tất phần xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2015. Doanh nghiệp sẽ tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai xây dựng sớm, nhanh dự án và đưa nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Mới đây, ông Takeshi Ogata, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thép Kyoei - Nhật Bản đã sang Việt Nam và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ông Takeshi Ogata cho biết: Ninh Bình là tỉnh có môi trường đầu tư tốt cho các doanh nghiệp, nhất là sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành.
Được sự quan tâm, hỗ trợ này, trong năm qua dự án Nhà máy thép chất lượng cao của Tập đoàn đã hoàn tất thủ tục. Năm 2013 là năm quan trọng của Công ty thép Kyoei Việt Nam cũng như Tập đoàn bởi dự án nhà máy thép chất lượng cao tại Khu công nghiệp Khánh Phú sẽ chính thức đi vào xây dựng. Đây là dự án lớn với sự quyết tâm cao của Tập đoàn.
Dự án Nhà máy chế biến bảo quản nông sản lại do Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình làm chủ đầu tư được xây dựng tại xã Khánh An (Yên Khánh) với quy mô trên 47.000 m2, tổng vốn đầu tư 148,8 tỷ đồng.
Dự án dự kiến chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I, từ nay đến hết năm 2013, xây dựng nhà điều hành sản xuất, nhà ăn, nhà nghỉ của công nhân, nhà xưởng xay sát, nhà kho, kho lạnh và các công trình phụ trợ; Giai đoạn II, từ quý I đến hết năm 2014 xây dựng xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà kho và các công trình phụ trợ.
Theo ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình: 20 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, nông nghiệp Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc, gặt hái được nhiều thành quả, nhất là ở lĩnh vực sản xuất lương thực.
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản là cơ sở và điều kiện để nâng cao giá trị, hiệu quả của nông sản sau thu hoạch và phục vụ cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.
Đây là quy trình kép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm của Công ty mà ông Tổng Giám đốc Công ty "ấp ủ" đã từ lâu. Công suất và các sản phẩm của nhà máy bao gồm: Gạo chất lượng 15.000 tấn, gạo đặc sản 8.000 tấn, gạo thường 1.200 tấn, sản phẩm tận thu (tấm, cám) 1.000 tấn; giữ và bảo quản 1.500 tấn củ các loại (khoai lang, khoai tây, lạc...); 1.500 tấn quả các loại (Bí xanh, bí đỏ, bầu...), sau khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động, 500 tấn rau, 5.000 tấn lúa giống; sản xuất 10.000 tấn thức ăn chăn nuôi.
Hiện tại Công ty đang hoàn tất các thủ tục liên quan để làm lễ động thổ và khởi công xây dựng nhà máy, mà trước mắt là thực hiện san lấp mặt bằng công trình trong năm 2013.
Đây chỉ là 2 trong số các dự án đã được tỉnh cấp phép sẽ khởi công xây dựng trong năm 2013. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Dự án nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền cũng đang chuẩn bị và dự kiến sẽ khởi công trong tháng 3 năm nay.
Như vậy, năm 2013 sẽ là năm khởi công của nhiều dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trường Sinh