Những ngày này, không khí Giáng sinh đã ngập tràn giáo xứ Mưỡu Giáp, xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn). Mọi giáo dân đều tất bật, háo hức chuẩn bị để sẵn sàng đón chào một mùa Giáng sinh an lành, no ấm.
Mùa giáng sinh an lành ở giáo xứ Mưỡu Giáp
Tới thăm giáo xứ Mưỡu Giáp khi lễ Giáng sinh đang cận kề, chúng tôi như lạc vào một chốn thần tiên bởi sự lung linh của sắc màu đèn điện, của những cây thông, hang đá được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt. Những thành viên của đội kèn đồng, của ca đoàn cũng đang có bước tổng duyệt cuối cùng, sẵn sàng mang tới các tiết mục đặc sắc nhất để chào đón một mùa Giáng sinh an lành.
Bác Nguyễn Huy Túc, Bí thư chi bộ thôn Mưỡu Giáp chia sẻ, năm nào cũng vậy, không khí Giáng sinh đến với giáo xứ khá sớm. Để chuẩn bị cho ngày lễ Noel, cách đây hơn 1 tuần, mọi gia đình giáo dân đã lo dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm phong quanh sạch đẹp, đến nay các nhà đã hoàn tất việc giăng đèn, trang trí hang đá, cây thông cho riêng gia đình mình…
Cũng theo bác bí thư chi bộ, giáo dân không chỉ hân hoan chào đón Giáng sinh bằng những hoạt động trang trí nhà cửa, mà đây còn là dịp để mỗi người tự kiểm đếm lại những nỗ lực trong một năm đã qua và cùng xây đắp ước vọng cho một năm mới đang cận kề. Với những mục tiêu phấn đấu rõ ràng, ở Mưỡu Giáp ngày càng có nhiều những tấm gương tiêu biểu trong mọi lĩnh vực. Theo chân bác bí thư chi bộ thôn, chúng tôi tới thăm gia đình cụ Vũ Bá Thanh, một trong những giáo dân tiêu biểu ở giáo xứ Mưỡu Giáp.
Mặc dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, song trước thềm Giáng sinh, cụ Vũ Bá Thanh vẫn cùng các con cháu tất bật chuẩn bị trang trí nhà cửa. Ngoài ra, với vai trò là thành viên của đội kèn đồng, cụ Thanh cũng tranh thủ tự tập luyện lại các bản nhạc được giao, tạo nên không khí rộn rã cho miền quê yên bình. "Mỗi đứa con công tác và lập nghiệp ở một nơi. Vì vậy, dịp lễ như thế này là cơ hội để cả gia đình được đoàn viên, sum vầy cùng hân hoan chào đón Giáng sinh và năm mới. Không khí ấm cúng của ngày đoàn tụ này đều được mọi gia đình giáo dân mong chờ"- cụ Thanh nói.
Cụ Vũ Bá Thanh chuẩn bị nhạc cụ cho buổi biểu diễn vào đêm Giáng sinh.
Cụ Vũ Bá Thanh năm nay gần 80 tuổi. Cụ sinh được 6 người con. Mặc dù với đồng lương ít ỏi của một công nhân ngành xây dựng và thu nhập nhọc nhằn từ nghề nông của vợ, song cả hai vợ chồng cụ đều chắt chiu để nuôi 6 người con ăn học nên người. Đến nay, một người con trai của cụ đã là tiến sỹ, con trai còn lại là thạc sỹ, cả 4 người con gái đều có trình độ cao đẳng, cử nhân… Ở thôn Mưỡu Giáp, cụ Thanh là người có uy tín của dòng họ, của giáo xứ. Gia đình cụ là tấm gương tiêu biểu của sự vượt khó, chăm lo cho sự học của con cái, được các gia đình trong thôn quý trọng và noi theo.
Hiện nay, toàn thôn Mưỡu Giáp có 600 hộ với trên 2 nghìn nhân khẩu. Trong đó, 98% dân số là đồng bào theo đạo công giáo. Xác định rõ, chăm lo cho sự học của con cái chính là cách để vun trồng một tương lai tốt đẹp hơn, những năm qua, bà con giáo dân trên địa bàn đã tích cực tham gia, hưởng ứng nhiều phong trào thi đua tại địa phương như hoạt động xã hội hóa giáo dục, chủ trương xã hội hóa công tác y tế, đóng góp các quỹ giáo dục như quỹ tài năng, quỹ khuyến học, giúp đỡ gia đình học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách…
Hàng năm, giáo xứ tổ chức các buổi lễ tuyên dương, ghi nhận thành tích học tập và trao học bổng, phát thưởng động viên học sinh đạt kết quả tốt. Đây chính là động lực để sự học của con em địa phương ngày càng tiến bộ. Nhiều gia đình bố mẹ làm nông nghiệp nhưng nuôi cả 3 con học tập thành tài.
Để có điều kiện cho lo cho con cái ăn học, giáo dân ở giáo xứ Mưỡu Giáp đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đời sống của bà con giáo dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, hơn 1 nửa diện tích đất nông nghiệp của bà con giáo dân được thu hồi phục vụ cho khu công nghiệp Gián Khẩu, mở ra một cơ hội việc làm mới cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, toàn thôn có hơn 200 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, nhiều lao động tự tạo được việc làm cho bản thân bằng cách phát triển các nghề như: xây dựng, mộc, đá mỹ nghệ… Đặc biệt, đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại, thôn Mưỡu Giáp đã vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển các mô hình kinh tế khác.
Từ năm 2018, toàn thôn có 25 hộ tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Thủy sản của xã Gia Xuân. Anh Dương Văn Hân, một giáo dân thôn Mưỡu Giáp và cũng là chủ nhiệm HTX cho biết: khi tham gia vào HTX này, các hộ chăn nuôi thủy sản sẽ được tập huấn, chuyển giao KHKT, được hỗ trợ, giúp đỡ về giống, vốn… và đặc biệt, là có sự liên kết cho đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, việc nuôi thủy sản sẽ đạt hiệu quả cao, bền vững hơn rất nhiều.
Với nỗ lực vươn lên không ngừng của giáo dân, năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo của thôn vẫn đạt được kết quả ấn tượng, an sinh xã hội được đảm bảo. Theo rà soát cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn Mưỡu Giáp còn 1,48%, trong đó chủ yếu là đối tượng thuộc diện bảo trợ.
Bác Nguyễn Huy Túc, Bí thư chi bộ thôn cho biết thêm: tất cả người dân trong thôn đều hướng đến nếp sống "Tốt đời đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước". Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các giáo dân thực hiện tốt bổn phận người con của Thiên chúa, đồng thời tham gia tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào yêu nước do Đảng, Nhà nước và Mặt trận phát động. Qua đó, càng làm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống tại địa phương.