Nguyễn Văn Bàng nhập ngũ năm 1972. Sau thời kỳ huấn luyện trên đất Bắc, đơn vị anh được điều động hỗ trợ cho nước bạn Lào chống kẻ thù chung. Bước chân anh đã có mặt trên nhiều chiến trường từ Xiêng Khoảng đến cánh đồng Chum, đã 2 lần bị thương, bị mất tới 71% sức khỏe, được xếp loại thương binh 2/4. Vào cuối năm 1974, trong hoàn cảnh thương tật ốm đau, sức khỏe ngày càng giảm sút, anh đã được nghỉ theo chế độ phục viên.
Trở về quê hương, anh đứng ra thành lập tổ mộc dân dụng, thu hút trên 20 lao động tham gia. Sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong xóm, ngoài làng mà còn được khách hàng nhiều nơi tìm đến đặt hàng, kể cả những tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nam.
Anh còn được tín nhiệm giao làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm HTX mua bán của xã. Với tâm huyết, nhiệt tình và năng lực thiên phú, anh tiếp tục được giao nhiều trọng trách như thư ký UBND, Trưởng ban tài chính rồi Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú.
Hơn 20 năm tham gia công tác với địa phương, dù làm việc gì anh đều đề cao trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng.
Vốn là người năng động, anh đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo xã, đứng ra vận động và tổ chức cho nhân dân làm hàng mây tre xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho trên 700 lao động, có thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/ tháng.
Chưa dừng lại ở đó, thương binh Nguyễn Văn Bàng lại tiếp tục có bước bứt phá mới trên con đường làm giàu và tạo việc làm cho lao động địa phương. Năm 2011, với số vốn tích lũy được, anh đã vay thêm tiền mua lại một nhà mày gạch cũ trên địa bàn xã thành lập Công ty TNHH Bình Phú, chuyên sản xuất gạch xây dựng.
Hiện nhà máy đã thực sự ổn định, đi vào sản xuất với công suất 85 vạn viên/năm, tạo việc làm cho gần 90 lao động, trong đó có trên 60 % là con em thương, bệnh binh và gia đình chính sách.
Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, nên nhà máy vẫn vượt lên những thách thức của thời kỳ khủng hoảng, thu nhập ổn định cho người lao động bình quân đạt trên dưới 4 triệu đồng/tháng.
Do làm tốt công tác quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, lại khẳng định được thương hiệu sản phẩm nên doanh thu hàng năm đạt trên 600 triệu đồng. Hiện anh đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô nhà máy, góp phần cùng địa phương, tạo thêm việc làm cho thanh niên nông thôn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên quê hương Văn Phú.
Thương binh Nguyễn Văn Bàng không chỉ nêu gương trong các hoạt động xã hội, từ thiện, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", suốt đời tâm nguyện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nên những việc anh làm, những điều anh nghĩ luôn được đồng đội, bà con trân trọng tin yêu.
Trong gia đinh anh luôn là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, rèn cặp, giáo dục con cái trưởng thành, học hành thành đạt, anh chị có 5 người con, có 2 người tốt nghiệp đại học, có người đứng ra thành lập công ty riêng, hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Với bề dày những năm tháng cống hiến, những thành tích đạt được trên các lĩnh vực hoạt động, vượt lên thương tật làm kinh tế giỏi, anh đã nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng, trong đó có 4 bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2012, anh đã vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu những người có công tiêu biểu tỉnh Ninh Bình về Hà Nội gặp và báo công với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Lê Liêu