Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, vì thế sau khi học xong phổ thông, Khoa phải đi làm ăn xa ở Lạng Sơn, Lai Châu. Cuộc sống "nơi đất khách" nhiều khó khăn, vất vả khiến Khoa luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau, cắt rốn của mình.
Năm 2001, Khoa quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Anh đã làm tất cả các công việc từ cấy cày, làm vườn đồi đến phụ hồ, thợ xây..., song ở mảnh đất Yên Sơn núi đồi sỏi đá, khô cằn này, anh vẫn không thể thoát nghèo. Với tinh thần không ngại gian khó, ý chí quyết tâm vươn lên làm kinh tế giỏi, đồng thời vốn có sở thích chăn nuôi, anh quyết tâm đầu tư vào nuôi các con đặc sản.
Năm 2004, dồn tất cả vốn liếng của gia đình, anh đã mạnh dạn nuôi ếch, nuôi lươn và mua 1 đôi nhím sinh sản về nuôi thí điểm. Thời điểm đó không ít người khuyên can Khoa vì cho rằng anh hơi "liều" khi mua 2 con nhím nhỏ mà trị giá tới 10 triệu đồng, chăn nuôi không khéo thì mất như chơi..., mặc dù vậy anh vẫn không nản chí. Quyết tâm tìm hiểu về con nhím, anh nhận thấy đây là loài vật nuôi ít bệnh, thức ăn đơn giản, việc làm chuồng trại cũng không phức tạp... nên chắc chắn nó sẽ thích hợp với vùng đất này.
Nghĩ rồi làm, anh Khoa đã tập trung vào việc chăm sóc con nuôi, cải tạo vườn tạp để lấy thức ăn nuôi chúng. Đồng thời không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và tham khảo qua sách, báo, tivi... để tích lũy kinh nghiệm. Thành quả của niềm đam mê cùng sự cần cù, chịu thương, chịu khó của vợ chồng anh đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Sau 4 tháng đầu tư vào chăn nuôi, anh đã thu được gần 10 triệu đồng từ nuôi ếch, lươn. Việc nuôi ếch, nuôi lươn tuy hiệu quả cao nhưng do địa hình cao, khó khăn về nguồn nước, anh Khoa quyết định chỉ tập trung vào nuôi nhím. Từ 2 con nhím bố mẹ, đến nay anh đã xuất chuồng được trên 100 con, trung bình mỗi một cặp nhím anh bán được từ 12-15 triệu đồng, có khi đã bán tới 40 triệu đồng/1cặp giống bố mẹ. Hiện tại, gia đình đã có 7 cặp nhím sinh sản.
Thông thường, một năm, 1 cặp nhím sinh sản 2 lần và được 4 con. Cứ 2 tháng khách mua lại đến nhà đặt cọc mua một lần, vì thế mà đầu ra không phải suy nghĩ.
Từ nuôi nhím, Khoa đã thoát nghèo và làm giàu (trung bình mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng). Không giấu "nghề" và mong muốn nhiều người thoát nghèo, anh đã phổ biến kiến thức chăn nuôi nói chung, đặc biệt là nuôi nhím cho nhiều người có nhu cầu ở trong, ngoài địa phương.
Nhìn Khoa nhanh nhẹn, hoạt bát và khá già dặn, ít ai biết được chàng thanh niên này mới 28 tuổi. Đinh Văn Khoa xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào "Thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Đức Nghĩa