Nhiều điểm mới trong Luật Hộ tịch năm 2014 Ông Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Luật Hộ tịch năm 2014 nhằm tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư, giúp xác định chính xác các thông tin về nhân thân của một người. So với các chế định pháp luật trước đây về hộ tịch thì Luật Hộ tịch năm 2014 có nhiều điểm mới cơ bản như: Khẳng định vị trí, vai trò của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh. Theo Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ 14 tuổi. Quán triệt quan điểm phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, việc phân cấp này, ngoài việc giúp người dân tiết kiệm thời gian và thuận lợi trong thực hiện thủ tục, cũng sẽ tạo cho chính quyền địa phương chủ động hơn, phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tránh chồng chéo thẩm quyền, giúp chính quyền gần dân hơn, nắm chắc một cách toàn diện công tác hộ tịch tại địa phương, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.
Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Luật cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây, có thể lựa chọn đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống, không nhất thiết phải theo thứ tự ưu tiên nơi đăng ký thường trú. Bên cạnh đó, Luật cũng cho phép được lựa chọn đăng ký khai sinh tại ủy ban nhân dân nơi cư trú của cha hoặc mẹ thay vì quy định ưu tiên nơi cư trú của mẹ như trước.
Luật quy định xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến; được kết nối để cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật cũng quy định rõ việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước và một số quy định mới khác.
Về chất lượng, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần được chuẩn hóa theo quy định tại Điều 72 Luật Hộ tịch năm 2014. Theo đó, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ từ Trung cấp Luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp phải có trình độ cử nhân Luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch. Những điểm mới trên cũng tạo nhiều thách thức cho việc áp dụng Luật Hộ tịch vào thực tiễn.
Thực tiễn triển khai
Xác định được vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Hộ tịch 2014, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền trên địa bàn luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và bố trí công chức thực hiện công tác hộ tịch; thường xuyên theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch tại địa phương, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gia đình. Để Luật Hộ tịch được triển khai theo đúng lộ trình, Sở Tư pháp đã tổ chức quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn tới các cấp cơ sở; yêu cầu Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, đồng thời chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện chuẩn bị các điều kiện về vật chất, nhân lực phục vụ đáp ứng yêu cầu đặt ra cho việc thực hiện công tác này.
Phối hợp với Phòng tư pháp các huyện, thành phố thực hiện rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn, để từ đó tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng trên nhằm đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn đề ra của Luật Hộ tịch năm 2014. Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 phòng tư pháp với 20 công chức và 145 xã, phường, thị trấn có 199 công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch, mỗi đơn vị đều bố trí ít nhất 1 cán bộ phụ trách công tác này; phần lớn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn hóa về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Một trong những yêu cầu không thể thiếu trong thực hiện Luật Hộ tịch 2014 là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch ở 3 cấp, từ xã, phường đến huyện, thành phố và Sở Tư pháp, nhằm đồng bộ dữ liệu hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh tiến tới kết nối và ứng dụng phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch toàn quốc. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Tư pháp, đến nay hầu hết các đơn vị đã được trang bị máy tính, máy in và được kết nối mạng Internet; hoặc tối thiểu mỗi đơn vị cũng đã có máy vi tính được kết nối mạng cả ở cấp huyện và cấp xã.
Hiện Sở Tư pháp đã tổ chức lựa chọn được đơn vị cung cấp phần mềm quản lý hộ tịch theo quy định là Công ty cổ phần Misa; đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho 100% đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở Sở, UBND các huyện, thành phố và cấp xã, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này sử dụng thành thạo ứng dụng này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn, còn nhiều hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật như: Hiện nay vẫn còn một số đơn vị cấp xã vẫn chưa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ riêng cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Công tác cán bộ cũng là một trong những áp lực trong quá trình triển khai Luật; do trình độ, năng lực cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch không đồng đều và thường có sự biến động về nhân sự làm công tác này tại cấp xã, phường; một số cán bộ, công chức chưa có trình độ chuyên môn luật, chưa được tập huấn nghiệp vụ gây khó khăn cho thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến trình độ tin học của cán bộ làm công tác hộ tịch đối với các xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, miền núi đặc biệt khó khăn là vấn đề còn nhiều lo ngại, mặc dù được trang bị đầy đủ máy tính nhưng cán bộ sử dụng chưa hiệu quả, có đến 34,6% cán bộ làm công tác hộ tịch chưa có chứng chỉ tin học, thậm chí có công chức chưa biết sử dụng máy tính, đây được coi là một trong những khó khăn lớn khi triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Không những vậy, do việc tiếp nhận thêm nhiều việc, cũng như những quy định về tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch, thời hạn giải quyết rút ngắn… đòi hỏi phải tăng cường số lượng công chức tư pháp - hộ tịch. Tuy nhiên, theo điều kiện cần phải tinh giản biên chế như hiện nay, việc bổ sung thêm biên chế là rất khó khăn. Trong khi công chức tư pháp - hộ tịch ngoài thực hiện công tác tư pháp, có khi còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác nữa.
Để Luật Hộ tịch sớm được triển khai đi vào cuộc sống, theo đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp đề nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần chung tay tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thi hành Luật; nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; điều chỉnh biên chế hợp lý, đảm bảo chất lượng của cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác này để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đề ra...
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam