Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ qua đó là đóng góp trong công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội khóa XIII là nhiệm kỳ có số lượng luật được ban hành nhiều nhất từ trước tới nay (tính đến kỳ họp thứ 10, đã thông qua 101 luật, bộ luật), vì vậy việc tham gia ý kiến của Đoàn đối với các dự án luật, dự thảo Nghị quyết luôn đòi hỏi cao về chất lượng cũng như công sức và yêu cầu khẩn trương về thời gian. Để thực hiện tốt chức năng này, căn cứ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, trên cơ sở chuyên môn được đào tạo của các đại biểu, Đoàn đã phân công cụ thể để đại biểu có sự chủ động trong công tác nghiên cứu thực tiễn, thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và các cộng tác viên để chuẩn bị ý kiến tham gia vào các dự án luật. Đối với các dự án bộ luật và luật có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, Đoàn đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân như: dự thảo Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… Trên cơ sở đa dạng các hình thức thu thập thông tin, Đoàn đã tổng hợp nhiều ý kiến tham gia có cơ sở lý luận và thực tiễn góp ý với các cơ quan soạn thảo, đồng thời tập hợp đầy đủ để làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu tại kỳ họp. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong nhiệm kỳ, đã có 120 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường và rất nhiều ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào tất cả các nội dung, đặc biệt là những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, nhiều ý kiến được các cơ quan soạn thảo tiếp thu. Trong nhiệm kỳ hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri được Đoàn duy trì với việc đa dạng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Để có sự phản ánh chân thực, khách quan đời sống, kinh tế, xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Đoàn đã tổ chức tiếp xúc với nhiều đối tượng cử tri như: cử tri là cán bộ hưu trí, hội viên Hội CCB, cán bộ các đoàn thể chính trị- xã hội, người cao tuổi, đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên, cử tri thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, cử tri vùng đồng bào dân tộc, cử tri là các nhà quản lý doanh nghiệp… Trong các buổi tiếp xúc, Đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, thông báo nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội; những nội dung cử tri kiến nghị đã được các cơ quan chức năng trả lời; gợi mở các vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo các dự án luật, nghị quyết nhằm phát huy trí tuệ và huy động sự tham gia rộng rãi của cử tri như: vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương (Luật Tổ chức chính quyền địa phương); vấn đề cơ cấu, chất lượng, số lượng đại biểu dân cử (Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND); sự cần thiết xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành... Việc đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng hình thức tiếp xúc, đa dạng lĩnh vực và đối tượng cử tri đã tạo cơ hội tốt để các ĐBQH lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp cử tri, với rất nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm, không ít cử tri còn hiến kế cho Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia, những vấn đề mà nhân dân đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, với vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn.
Hoạt động giám sát được Đoàn ĐBQH tỉnh coi trọng. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đã tổ chức 13 cuộc giám sát chuyên đề và phối hợp tham gia 12 cuộc giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương. Cùng với đó, Đoàn tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh thực hiện 5 cuộc giám sát. Các ĐBQH trong Đoàn là thành viên các ủy ban của Quốc hội còn tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình của các ủy ban, tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và tại các phiên chất vấn do ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Thông qua giám sát giúp các ĐBQH tiếp cận, nắm sâu sát thực tế, nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống để tham gia thảo luận, quyết định tại Quốc hội. Cũng thông qua việc giám sát, Đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.
Việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Các ĐBQH tiếp công dân tại cơ quan nơi đại biểu làm việc, Đoàn ĐBQH tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ, Đoàn và các đại biểu đã nhận được 352 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Tất cả đơn, thư được xem xét, xử lý, phân loại và chuyển đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết, hoặc hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Việc đôn đốc và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm thực hiện. Các vụ việc mà cơ quan chức năng chậm giải quyết Đoàn đều có công văn đôn đốc, nhắc nhở. Một số vụ việc công dân bức xúc kéo dài, Đoàn đã tiến hành giám sát thực tế việc giải quyết của các cơ quan chuyên môn, thông qua đó, trao đổi với công dân về tính đúng đắn trong việc giải quyết vụ việc, tạo sự đồng thuận của người dân.
Nhiệm kỳ hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII còn để lại nhiều dấu ấn với cử tri, nhân dân trong tỉnh trong các hoạt động xã hội. Bằng tín nhiệm và sự vận động xã hội, Đoàn và ĐBQH đã vận động nhiều doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các huyện, thành phố xây dựng nhà tình nghĩa, xây nhà văn hóa, trang bị cơ sở vật chất cho trường học, bệnh viện..., góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.
Mai Lan