Rời trại thương binh sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, về quê ở thôn Thanh Thượng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, ông Hoàng Tiến Sỹ hăng hái đấu thầu sử dụng lâu dài 3 sào ao. Vậy là dành hết vốn liếng rồi vay mượn thêm ngân hàng, ông Sỹ đầu tư đào ao thả cá. "Số tiền kè ao, mua giống cá thả cũng lên đến 40 triệu đồng.
Thời điểm ấy, số tiền này là lớn lắm, nhiều người bảo tôi mạo hiểm vì nếu thua lỗ thì biết lấy gì trả nợ ngân hàng. Nhưng nếu không làm, không mạo hiểm thì cuộc sống của gia đình tôi biết đến bao giờ mới đổi thay được. Vậy là tôi quyết tâm làm và làm bằng được"- ông Sỹ nhớ lại.
Ngoài đào ao thả cá, ông Sỹ còn trồng thêm mía xung quanh ao và mua máy ép nước mía về làm dịch vụ giải khát để có thêm đồng ra đồng vào. Không dừng lại ở đó, ông lại tiếp tục vay mượn thêm ngân hàng để xây dựng, nâng cấp ao để nuôi thêm ba ba.
Nhưng kế hoạch nuôi ba ba chưa kịp thực hiện thì vào năm 2000, ông Sỹ được địa phương vận động hiến mảnh ao 3 sào này để làm chợ. "Thời điểm ấy, cả xã không có chợ. Bà con trong xã phải sang những chợ vùng lân cận để giao thương, buôn bán. 3 sào ao của tôi nằm ở vị trí gần trung tâm, rất phù hợp để xây dựng chợ tập trung. Vì vậy, nếu gia đình tôi không hiến ao, thì địa phương cũng không thể tìm được địa điểm nào phù hợp hơn.
Biết được tầm quan trọng của chủ trương này nên tôi trăn trở nhiều đêm liền, bởi lẽ một bên là "ích nước" nhưng một bên lại là "lợi nhà". Nếu hiến ao rồi, gia đình tôi sẽ làm gì để sinh nhai? Nhất là khi tôi đã bỏ nhiều vốn vào để cải tạo, làm ao, mua con giống… Hơn nữa, tôi làm ao bằng cả niềm đam mê, giờ bỏ ao thì tôi cũng không biết mình có khả năng làm gì? Trăn trở mãi, cuối cùng tôi cũng quyết định hiến ao để địa phương làm chợ"- Ông Sỹ đăm chiêu nhớ lại.
Dù cuộc sống khó khăn, vất vả hơn khi cả gia đình chỉ biết trông vào vài đồng lương của hai ông bà, song chưa lúc nào ông ân hận về quyết định hiến đất của mình. Nhìn bà con trong thôn, trong xã tụ họp mỗi sáng để mua, bán những sản phẩm của nhà nông do chính họ làm ra, rồi hồ hởi mỗi khi nông sản được mùa, được giá… là ông Sỹ lại cảm thấy vui lây.
Không thể chỉ trông đợi vào những tháng lương trợ cấp của hai vợ chồng, ông Sỹ xin vào làm bảo vệ ở trường THCS của xã với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Vợ ông cũng làm thêm việc quét dọn trong chợ nên cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định.
Ông Sỹ vốn có khả năng chơi nhạc cụ rất hay, còn vợ ông lại hát hay, vì vậy không chỉ hát cho … vui cửa vui nhà, hai ông bà chính là hạt nhân để thành lập ra đội văn nghệ của thôn. Mỗi dịp lễ, tết, đội văn nghệ thôn Thanh Thượng lại chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những tiểu phẩm vui nhộn để hưởng ứng và phục vụ bà con trong thôn.
Ông Sỹ cũng được bầu làm trưởng nhóm gia đình chính sách của thôn. Với cương vị này, ông thường xuyên tự cập nhật các chế độ chính sách mới dành cho đối tượng người có công để truyền đạt đến các đối tượng một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Đồng thời, luôn sát cánh trò chuyện, động viên để các gia đình vượt khó vươn lên.
Khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ông gương mẫu vận động gia đình, làng xóm tích cực tham gia đóng góp ngày công, của để chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Bản thân gia đình ông đã hiến 7m2 đất ông cha để làm đường giao thông nông thôn.
Cuộc sống bình dị với những người con đã yên bề gia thất khiến ông Sỹ thấy mình hạnh phúc. Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa, đặc biệt trong năm 2017, gia đình ông Sỹ được bình xét là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Đào Hằng