Mới gặp và tiếp xúc với bác Bùi Xuân Tình, ít ai nghĩ bác đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", bởi ngoài giọng nói sang sảng mạnh mẽ, bác còn rất nhanh nhẹn, sung sức của một người sống và gắn bó nhiều năm với núi rừng. Tự nhận là mình đã già, nhưng hai ông bà ngoài 70 tuổi ấy vẫn sống thư thái và vui vẻ cùng nhau chăm sóc cho 4 con hươu sao lấy nhung, 20 con nhím và 10 đàn ong mật. Chẳng phải vì cuộc sống mưu sinh, mà đơn giản với ông bà, đó là niềm vui, một thói quen và sự gắn bó hơn 20 năm nay đối với những con nuôi quen thuộc, có chăng là ngày một giảm dần để đảm bảo sức khỏe tuổi già. Bác Bùi Xuân Tình chia sẻ, trước đây bác là công nhân Vườn quốc gia Cúc Phương, sau khi về hưu, cuộc sống gia đình tương đối khó khăn do đồng lương công nhân ít ỏi, các con đang tuổi ăn học. Không thể cam chịu đói nghèo, nhận thấy lợi thế về đất đai, đồi rừng cũng như có đôi chút kiến thức về chăn nuôi, trồng rừng, bác Tình quyết định đầu tư chăn nuôi một số loại con đặc sản và trồng keo. Những ngày đầu, số vốn ít ỏi được đầu tư hết vào mua giống và xây dựng chuồng trại, vừa nuôi vừa lo con vật ốm đau, thất lạc, bác Tình và các con ngày đêm thay nhau chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Với hình thức phát triển kinh tế bằng tự cung tự cấp, trồng đủ các loại rau màu phục vụ cuộc sống gia đình và chăn nuôi thêm gà, lợn, kết hợp nuôi các con đặc sản như hươu sao, ong mật, nhím…, kinh tế gia đình bác ngày một nâng cao. Những năm cao điểm, ngoài trồng hơn 1ha keo, bác chăn nuôi thêm nhiều loại như hươu, nhím, ong, trâu bò…, với số lượng khá lớn, gồm 5 con hươu, 30 con nhím, 20 đàn ong, 15 con trâu bò… , mỗi năm trừ chi phí còn cho lãi hàng trăm triệu đồng. Từ cuộc sống nghèo đói, khó khăn, sau chục năm nỗ lực cố gắng, gia đình bác Tình đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ đồ dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống như tivi, tủ lạnh, xe máy…; đặc biệt có đủ điều kiện chu cấp kinh phí nuôi 3 người con ăn học.
Điều tự hào nhất đối với bác Tình là, nhờ sự cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình của cha mẹ, các con đã lấy đó là tấm gương để phấn đấu chăm ngoan, học tập tốt. Cả 3 người con của bác Tình đều đã tốt nghiệp ở các trường Đại học danh tiếng, trong đó có 1 người đã hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sỹ tại Mỹ. Hiện các con bác Tình đang công tác trong Quân đội, Ngân hàng và Bộ Nông nghiệp & PTNT, không chỉ có cuộc sổng ổn định mà gia đình cũng rất hòa thuận, hạnh phúc, quan tâm chăm sóc và sống có hiếu với bố mẹ.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, quan tâm dạy dỗ con cái trưởng thành, bác Bùi Xuân Tình còn nhiệt tình và trách nhiệm với công tác xã hội. Những năm gần đây, được bà con tin yêu, tín nhiệm bầu chọn là người uy tín trong đồng bào dân tộc, bản thân bác và gia đình gương mẫu chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, hương ước nơi cư trú… gần gũi bà con, chia sẻ, giúp đỡ mọi người lúc khó khăn. Đặc biệt, với cương vị là người uy tín của thôn, bác Tình luôn suy nghĩ phải cố gắng hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thôn xóm, cộng đồng. Theo đó, bác tích cực tham gia bàn bạc cùng với Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; nỗ lực đóng góp công, của trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến công, góp của, hiến đất, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, đóng góp xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, phấn đấu xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc, làng xã phát triển.
Với sự nỗ lực cố gắng cũng như những đóng góp trong xây dựng thôn xóm, gia đình bác Bùi Xuân Tình nhiều năm liền được bình xét đạt gia đình văn hóa. Thôn Nga 3 được huyện Nho Quan công nhận danh hiệu Làng văn hóa. Đời sống người dân trong thôn ngày càng phát triển, an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm ngày càng ổn định, bền chặt.
Lâm Thị Oanh
Trường Đại học khoa học Thái Nguyên